Gánh xiếc nổi tiếng
Có tên đầy đủ là Phare Ponler Selpak (trong tiếng Khmer có nghĩa là “Ánh sáng nghệ thuật”), đoàn xiếc Phare được thành lập năm 1994 bởi những người may mắn thoát khỏi trại tị nạn, sau khi trốn khỏi sự cai trị tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ. Họ nghĩ rằng nghệ thuật là “liều thuốc” hữu hiệu nhất để chữa lành vết thương tâm lý.
Sau khi đoàn xiếc Phare được thành lập, các lớp học năng khiếu về âm nhạc, khiêu vũ, kịch cũng lần lượt ra đời tại Siem Reap, thành phố gần khu phức hợp đền thờ Angkor vào năm 2013. Ngoài việc đào tạo xiếc, các học viên trẻ tại Phare còn được dạy kỹ năng sống và giáo dục toàn diện. Hiện nay, đoàn xiếc này là nguồn tài trợ chính cho 1.200 sinh viện tại Trường Nghệ thuật Phare Ponleu Selpal (PPS) tại thành phố Battambang, Campuchia.
Trước dịch COVID-19, vào mỗi tối, rạp xiếc Phare phải tất bật biểu diễn theo lịch trình dày đặc. Những màn trình diễn đầy mê hoặc của Phare thu hút khán giả nhờ các kỹ năng điêu luyện và động tác uyển chuyển. Các nghệ sĩ của Phare thường trình diễn trên nền nhạc sống thể hiện bằng nhạc cụ truyền thống Campuchia, như cồng chiêng hoặc guitar điện.
Những nghệ sĩ tung hứng, nhảy múa, phun lửa, uốn lượn trên sân khấu, lao mình lên không trung đầy táo bạo và chỉ được nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn. Mỗi màn trình diễn đều mang cốt truyện riêng dựa trên những chủ đề phổ biến. Không chỉ biểu diễn trong nước, đoàn xiếc Phare còn quảng bá giá trị truyền thống dân tộc ra khắp thế giới trong các chuyến biểu diễn ở nước ngoài.
Vươn lên từ khốn khó
Thành công như vậy nhưng ít ai biết rằng đằng sau ánh hào quang trên sân khấu là những câu chuyện đầy cảm động của những nghệ sĩ đi lên từ khó khăn.
Họ là những con người đi lên từ những hoàn cảnh khác nhau, như người ăn xin, trẻ mồ côi, nạn nhân buôn người và cả những người nghiện ma túy, nhưng tất cả đều có chung một nghị lực mạnh mẽ. Bằng ý chí sắt đá, họ đã vượt lên hoàn cảnh, tìm thấy mục đích mới trong cuộc sống và phát triển các kỹ năng nghệ thuật.
“Những người trẻ Campuchia đang thay đổi cuộc sống thông qua nghệ thuật, phá vỡ vòng xoáy đói nghèo. Họ đang khám phá tài năng của chính mình và nhận ra rằng nếu kiên trì và biết nắm bắt cơ hội, họ có thể đạt được bất cứ điều gì trong cuộc sống. Tiền lương họ kiếm được khi biểu diễn trong rạp xiếc có thể nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình. Các nghệ sĩ tại đây đang mở đường cho thế hệ trẻ”, Phó giám đốc trường PPS, ông Khuon Chanreaksmey nói.
Nov Sreyleak, 29 tuổi, một trong những nghệ sĩ có kinh nghiệm nhất tại đoàn xiếc Phare, chia sẻ: “Trước khi tham gia đoàn xiếc Phare, tôi bán đồ ăn vặt trên đường phố để nuôi gia đình nhưng vẫn không đủ sống. Ước mơ của tôi là trở thành người huấn luyện tại rạp xiếc để có thể giúp đỡ những đứa trẻ khác, tạo cơ hội cho chúng như tôi đã có. Tôi đã được đi du lịch nước ngoài, học ngoại ngữ cùng nhiều kỹ năng khác. Phare không chỉ thay đổi cuộc đời tôi mà còn cứu sống cả gia đình tôi”.
Nếu như câu chuyện của anh Sreyleak truyền nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ trẻ thì cuộc đời của Pin Phunam lại giống như một thước phim buồn. Phunam lớn lên trong gia đình nghèo khó tại một ngôi làng ở ngoại ô Battambang. Khi lên 7 tuổi, cô bé đã phải nhặt rác để kiếm sống. Năm 9 tuổi, Phunam phải đau xót cướp chai thuốc chuột trên tay mẹ để ngăn bà tự tử. Cuộc đời của Phunam có lẽ vẫn chìm trong nghèo khó nếu như không tìm được ánh sáng từ đoàn xiếc Phare.
“Một nhân viên xã hội đã giới thiệu tôi đến học miễn phí tại Trường nghệ thuật PPS”, Phunam hiện tại 29 tuổi nói và cho biết cô sắp tham gia khóa học nghiên cứu về chính phủ và giới tại Trường Cao đẳng Smith, một tổ chức nghệ thuật tự do của phụ nữ tại bang Massachusetts (Mỹ). Bố của Pin Phunam đã qua đời vì căn bệnh AIDS khi cô 13 tuổi. Cô được đưa đến trung tâm chăm sóc trẻ em của Phare, được đào tạo biểu diễn xiếc và trở thành một trong những nghệ sĩ ngôi sao của trong ngành nghệ thuật này.
Ông Ravindra Ngo, Chủ tịch Hiệp hội Người Campuchia tại Hong Kong, một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá nghệ thuật và văn hóa của đất nước, cho biết: “Những nghệ sĩ biểu diễn của đoàn xiếc Phare rất tài năng. Đáng ngạc nhiên là hầu hết trong số họ đều là những đứa trẻ đường phố. Rõ ràng là có rất nhiều công việc khó khăn và sáng tạo sau hậu trường đó. Phare đã tạo ra cơ hội việc làm đáng kể cũng như xây dựng một hệ thống sinh thái tại Siem Reap nhằm quảng bá nghệ thuật và văn hóa cho khách quốc tế, đồng thời tác động tích cực đến trường PPS”.
Nỗ lực vượt qua COVID-19
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp xã hội khác tại Campuchia, đoàn xiếc Phare đang phải chịu tác động lớn do dịch bệnh COVID-19 vì phụ thuộc chủ yếu vào khách du lịch.
Ông Khuon Chanreaksmay cho biết: “Ngành du lịch Campuchia đã bị bóng đen COVID-19 bao phủ. Điều này khiến cuộc sống của những người kiếm kế sinh nhai phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trường nghệ thuật PPS nhận được hơn một nửa ngân sách hàng năm từ rạp xiếc Phare với khoảng 1 triệu USD cũng đối mặt với tương lai mờ mịt. Nếu tình trạng này kéo dài, rạp xiếc sẽ không thể trang trải chi phí, trả lương và tiếp tục hỗ trợ nhà trường”.
Trong khi không thể tiếp tục biểu diễn xiếc do dịch bệnh, đoàn xiếc Phare vẫn nỗ lực không ngừng để tìm giải pháp cho mình. Trong thời gian này, họ tập trung vào việc mài giũa nghệ thuật và các kỹ năng khác để phát triển hơn nữa.
“Chúng tôi tin tưởng vào sự đoàn kết của mọi người, tin rằng chúng tôi sẽ thoát ra khỏi đại dịch một cách mạnh mẽ hơn. Việc cách ly tại nhà cũng là cơ hội để chúng tôi học cách thích nghi với hoàn cảnh. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thi biểu diễn trực tuyến và chia sẻ những hiểu biết cá nhân về nghệ thuật thông qua các tác phẩm truyền cảm hứng”, Sigrid Baldinger, Quản lý phát triển của Phare nói.