Ngày 11/3, con trai của Tổng thống Libi Moamer Kadhafi, ông Saif al-Islam, tuyên bố Libi đang chuẩn bị hành động quân sự toàn diện để đè bẹp cuộc nổi dậy và sẽ không đầu hàng cho dù các cường quốc phương Tây có can thiệp vào cuộc xung đột hiện nay ở nước này.
Theo ông Saif, lực lượng trung thành với chính phủ đang giành thắng lợi và đã kiểm soát được hai thành phố quan trọng Ras Lanuf và Zawiad. Truyền hình nhà nước Libi cùng ngày đưa tin, quân chính phủ đang tiến về thành phố lớn thứ hai Benghazi hiện đang nằm trong tay lực lượng chống chính phủ và quân của phe đối lập đang tháo chạy về hướng đông.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” về khủng hoảng chính trị tại Libi. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 11/3 cho biết NATO đã quyết định điều thêm tàu chiến tới Địa Trung Hải để tăng cường giám sát Libi, song cần có thêm kế hoạch trong trường hợp áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này.
Tiếp sau Pháp - quốc gia đầu tiên công nhận Hội đồng Dân tộc do phe đối lập ở Libi thành lập, Anh cùng ngày tuyên bố công nhận lực lượng đối lập tại Libi là “những người đối thoại hợp lệ”, song nhấn mạnh “Luân Đôn công nhận các nhà nước chứ không phải các chính phủ, hội đồng…”. Cũng trong ngày 11/3, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết kêu gọi 27 nước trong Liên minh châu Âu (EU) làm theo Pháp chính thức công nhận phe đối lập là lực lượng cầm quyền hợp pháp duy nhất ở Libi. Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh cũng ra tuyên bố, gọi chính phủ của ông Kadhafi là “bất hợp pháp” và kêu gọi cộng đồng quốc tế đối thoại với phe đối lập tại Libi.
Trái với quan điểm “siết chặt gọng kìm” quanh chính quyền của Tổng thống Kadhafi, Đức ngày 11/3 tuyên bố quyết định của Pháp không phải là sự công nhận theo luật pháp quốc tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Béclin sẽ không ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm Libi.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đồng thuận của quốc tế đối với các bước đi tiếp theo liên quan tình hình Libi, cho rằng mọi động thái đơn phương của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước. Bà Clinton đồng thời cảnh báo chỉ riêng việc áp đặt vùng cấm bay tại Libi có thể sẽ không có tác dụng trong việc ngăn chặn bạo lực tại đất nước này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cảnh báo các cường quốc thế giới không nên can thiệp vào Libi và các quốc gia châu Phi khác, đồng thời khẳng định hành động can thiệp quân sự là “không thể chấp nhận được”. Cũng trong ngày 11/3, Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) khẳng định AU tôn trọng sự đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ của Libi, đồng thời bác bỏ mọi hình thức can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libi.
H.H (tổng hợp)