Có nên sợ tiền của Trung Quốc?

Tham vọng ngày càng lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc đang khiến châu Âu lo ngại. Bằng chứng cụ thể và gần đây nhất là chính quyền Anh tuyên bố lùi ngày đưa ra quyết định có xây dựng hay không nhà máy điện hạt nhân tại Hinkley Point (miền nam nước Anh), trong đó có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất số ra ngày 2/8: “Liệu có nên sợ tiền của Trung Quốc?”.

Châu Âu hiện trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với Trung Quốc và chiếm đến 20% tổng đầu tư của Bắc Kinh ra nước ngoài. Pháp cũng không nằm ngoài xu thế này, thậm chí trở thành thị trường đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Italy, nhưng đứng trước cả Đức và Anh.

Theo La Croix, những “phi vụ” lớn của Trung Quốc tại Pháp tập trung vào ngành du lịch-khách sạn: khách sạn Marriot nổi tiếng trên đại lộ Champs-Elysée có cổ phần của một quỹ đầu tư của Hong Kong từ năm 2014, câu lạc bộ nghỉ dưỡng Club Med được tập đoàn Phục Tinh đầu tư năm 2015, tập đoàn Louvre Hôtels từ năm 2015 có vốn của tập đoàn khách sạn Cẩm Giang. Cẩm Giang không giấu tham vọng trở thành cổ đông số 1 của tập đoàn Accor (sở hữu Ibis, Novotel, Sofitel), đứng đầu châu Âu trong lĩnh vực khách sạn. Ngoài ra, còn phải kể đến khoản đầu tư vào sân bay Toulouse-Blagnac của tập đoàn Symbiose vào năm 2015. Năm 2014, nhà sản xuất xe hơi Đông Phong đã có được 14% vốn của tập đoàn Pháp Peugeot. Cuối cùng phải kể đến tham vọng kiểm soát Servair, một chi nhánh của tập đoàn Air France, của tập đoàn HNA, chuyên về sửa chữa cảng hàng không.

Trong vòng một năm, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Pháp tăng gần gấp 3 lần: từ 1,2 tỉ USD vào năm 2014 lên 3,2 tỉ USD vào năm 2015. Trên phạm vi châu Âu, số tiền đầu tư cũng tăng: từ 16 tỉ USD vào năm 2014 lên 20 tỉ USD vào năm 2015 và 54 tỉ USD chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016.

Xu hướng này không khiến các chuyên gia ngạc nhiên và theo đánh giá của họ, sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Lý giải xu hướng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài, một nhà phân tích đã giải thích rằng trong nhiều năm, Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng hai con số và trở thành công xưởng của thế giới. Để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu, trong giai đoạn đầu, Bắc Kinh ưu tiên đầu tư vào các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Phi.

Bước tiếp theo bắt đầu khi Trung Quốc chuyển các nhà máy ra nước ngoài hay thuê các công ty nước ngoài gia công để tận dụng nguồn nhân công rẻ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Và bước thứ ba đang được tiến hành: chính quyền Bắc Kinh định hướng lại mô hình tăng trưởng, thiên về giá trị gia tăng và dịch vụ hơn.

Theo nhà nghiên cứu Philippes Le Corre, thuộc Viện Brookings tại Washington, làn sóng đầu tư bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội đồng euro giảm giá. Trước đó, chỉ có vài văn phòng đại diện và quỹ đầu tư China International Corporation của Trung Quốc thật sự hoạt động tại châu Âu. Thế nhưng hiện nay, công ty Trung Quốc có mặt ở mọi lĩnh vực, mọi “phi vụ” và tại khắp các nước châu Âu.

Bài xã luận của La Croix nhận định các nước phương Tây phải quản lý được các dự án đầu tư ồ ạt ra nước ngoài của Trung Quốc. Dù những khoản đầu tư đó vẫn chưa phải rất lớn, nhưng tại Mỹ, cũng như tại châu Âu, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động để chiếm được thị phần trên các thị trường nguyên vật liệu, đất đai, hàng hóa công nghiệp và công nghệ.

Điều trái ngược là dù tích cực đầu tư ra nước ngoài, song Bắc Kinh lại tỏ ra ít cởi mở hơn ngay trên sân nhà bằng cách ban hành những quy định chặt chẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy có nên sợ vốn đầu tư của Trung Quốc? Không trả lời trực tiếp câu hỏi của La Croix, nhưng một chuyên gia luật trấn an: “Các hồ sơ đầu tư cần được nghiên cứu cận thận để đảm bảo được sự minh bạch, hiệu quả, đảm bảo lợi ích quốc gia… Thay vì phản ứng ngay lập tức, nước Pháp nên tỏ rõ ý kiến của mình về vấn đề này”.

TTXVN/Tin Tức
Nga có thể bán cổ phần Rosneft cho Trung Quốc
Nga có thể bán cổ phần Rosneft cho Trung Quốc

Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết phía Nga đang xem xét bán 19,5% cổ phần của Tập đoàn dầu khí Rosneft cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN