Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 4 vụ phóng tên lửa chỉ trong chưa đầy hai tuần và cảnh báo có thể theo đuổi "cách tiếp cận mới". Các vụ phóng này diễn ra sau khi Triều Tiên phản đối các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn bắt đầu ngày 5/8.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, ông Bolton đã nhắc lại với Triều Tiên về cam kết của nước này với Tổng thống Donald Trump rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành các vụ phóng tên lửa tầm xa liên lục địa.
Về các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, Cố vấn Bolton khẳng định nội dung tập trận là về nhiệm vụ chỉ huy và chủ yếu do máy tính thực hiện. Ông tin rằng điều này là phù hợp với mối quan hệ đối tác giữa hai nước, trong khi chính Triều Tiên cũng tiếp tục các vụ phóng tên lửa nên Bình Nhưỡng không có lý do gì để phản đối tập trận.
Trong tuyên bố mới nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết vụ phóng các tên lửa chiến thuật trang bị công nghệ dẫn đường là thông điệp cảnh báo gửi tới các cuộc tập trận chung do Mỹ và Hàn Quốc tổ chức.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), “tên lửa chiến thuật trang bị công nghệ dẫn đường thế hệ mới” đã được phóng đi từ khu vực ở phía Tây của Triều Tiên và “bắn trúng đảo mục tiêu” ở vùng biển phía Đông của nước này. KCNA khẳng định vụ phóng tên lửa “đã chứng minh rõ ràng về độ tin cậy, đảm bảo và khả năng đưa vào sử dụng” của loại vũ khí này.
Hôm 6/8, Triều Tiên đã phóng hai vật thể được phía Hàn Quốc xác định là tên lửa tầm ngắn. Theo thông báo, hai tên lửa của Triều Tiên đã bay xa khoảng 450km, độ cao tối đa 37km và rơi xuống vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên, tức Biển Nhật Bản. Đây là lần thứ 4 trong chưa đầy 2 tuần, Triều Tiên tiến hành các vụ phóng như vậy.
Chuyên gia H. Van Diepen, một cựu quan chức tình báo và ngoại giao của Mỹ có chuyên môn về vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhận định các rocket dẫn đường mà Triều Tiên tuyên bố đã phóng trong những tuần gần đây giống với tên lửa, qua đó đồng tính với đánh giá của Hàn Quốc cho rằng vật thể mà Bình Nhưỡng đã phóng là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Chuyên gia cũng so sánh hệ thống phóng rocket đa nòng KN-09 với hệ thống mới được nhận dạng là KN-25. Ông Diepen cho hay: "Tầm bắn xa hơn của hệ thống mới giúp Triều Tiên mở rộng năng lực của KN-09 có thể vươn tới các mục tiêu thêm ít nhất 60 km sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc".
Ông cho rằng hệ thống mới này có thể giúp Triều Tiên gia tăng cường độ các vụ tấn công, giúp Bình Nhưỡng linh hoạt hơn trong việc lựa chọn giữa các rocket đa nòng và những tên lửa đạn đạo tầm ngắn "thực thụ", và làm phức tạp thêm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc.
Liên quan đến những diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi các bên liên quan coi trọng tiến bộ đã đạt được, giúp thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Bà cho biết Trung Quốc đang lưu tâm đến động thái liên quan của Triều Tiên, cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, nhấn mạnh rằng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở giai đoạn quan trọng.
Do đó, bà kêu gọi các bên đảm bảo việc thực thi sự đồng thuận chính trị của các nhà lãnh đạo sớm nhất có thể và triển khai những nỗ lực tích cực để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như hòa bình lâu dài tại đây và trong khu vực.