Theo ông Waltz, hiện nay, Liên bang Nga đang cố gắng trở thành bá chủ Bắc Cực, với hơn 60 tàu phá băng, trong đó có một số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân còn Mỹ chỉ có hai tàu phá băng và một trong hai tàu đó vừa bị cháy.
Ông Waltz nhấn mạnh: “Khi băng ở vùng cực đang dần tan chảy, Trung Quốc hiện cũng đang tăng tốc chế tạo tàu phá băng và tiến vào khu vực này. Vì vậy, đây là vấn đề về dầu mỏ, khí đốt và an ninh quốc gia của chúng ta”.
Vì thế, ông Waltz cho rằng: ”Greenland đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ” và “Đây là vấn đề về khoáng sản quan trọng. Đây là vấn đề về tài nguyên thiên nhiên”.
Trước đó trong một bài đăng trên Truth Social hôm 22/12, ông Trump đã tái khẳng định mong muốn từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên về việc Mỹ sở hữu Greenland, cho rằng việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là một “nhu cầu tuyệt đối” vì lý do an ninh quốc gia.
Vào ngày 7/1, trong cuộc họp báo ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago thuộc bang Florida, Khi được hỏi rằng liệu ông có loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát Greenland hay kênh đào Panama hay không, ông Trump đã trả lời: “Không, tôi không thể đảm bảo điều đó, nhưng tôi có thể nói thế này: Chúng ta cần những nơi này vì an ninh kinh tế”.
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đề xuất ý tưởng mua Greenland. Năm 1867, khi Tổng thống Andrew Johnson mua Alaska, ông cũng đã cân nhắc mua cả Greenland. Cuối Thế chiến II, chính quyền của Tổng thống Harry Truman đã đề nghị trả Đan Mạch 100 triệu USD để sở hữu hòn đảo này.
Cả hai đề nghị đều không thành hiện thực, nhưng theo một hiệp ước quốc phòng năm 1951, Mỹ đã thiết lập một căn cứ không quân, hiện được gọi là Căn cứ Không gian Pituffik, tại phía Tây Bắc Greenland.
Theo các chuyên gia, có ba yếu tố khiến đảo Greenland đặc biệt hấp dẫn với ông Trump.
Thứ nhất là về kinh tế. Đây là nhận định của Giáo sư địa chính trị Klaus Dodds tại Đại học Royal Holloway (Anh). Giáo sư Dodds cho rằng Greenland sở hữu các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú. Những tài nguyên này bao gồm dầu mỏ, khí đốt và kim loại đất hiếm vốn rất cần thiết khi sản xuất các loại xe điện và tua bin gió trong quá trình chuyển đổi xanh, cũng như để sản xuất thiết bị quân sự.
Thứ hai là về an ninh quốc phòng. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Ulrik Pram Gad tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, Greenland từ lâu đã được coi là khu vực quan trọng đối với an ninh của Mỹ và Washington quyết tâm đảm bảo rằng không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland. Bởi nếu vậy, hòn đảo này có thể trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ.
Thứ ba là cơ hội tiềm năng khi băng tan. Băng tan và nhiệt độ Bắc Cực tăng nhanh đang đặt Greenland vào tâm điểm của cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng băng tan đã mở ra các tuyến hàng hải, kéo dài thời gian hoạt động trong mùa hè ở Bắc Bán cầu. Giáo sư Dodds cho rằng “ông Trump theo bản năng hiểu rằng Bắc Cực đang tan chảy và thấy được những cơ hội tiềm năng”.
Tuy nhiên, mong muốn của ông Trump đang vấp phải sự phản đối của Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland.
Đài truyền hình TV2 của Đan Mạch ngày 8/1 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Lars Lokke Rasmussen cho biết ông không tin rằng Greenland có tham vọng trở thành một "bang của Mỹ."
Ngoại trưởng Rasmussen nhấn mạnh Copenhagen sẵn sàng đối thoại với Washington để mở rộng hợp tác giữa Đan Mạch và Mỹ.
Thủ hiến Greenland, Mute Egede, hôm 7/1 đã phát tín hiệu rằng vùng lãnh thổ này không muốn tham gia vào cuộc đấu chính trị qua lại giữa Mỹ và Đan Mạch.
"Greenland thuộc về người dân Greenland", ông Egede nói.