Bản đồ Nga có Crimea của Coca Cola. |
Coca Cola lần đầu phát hành bản đồ Nga không có Crimea, quần đảo Kuril mà Nga tranh chấp với Nhật Bản và Kaliningrad trên Vkontakte (mạng xã hội giống với Facebook của Nga) vào ngày 30/12, trước năm mới ở Nga.
Lời chúc kèm theo tấm bản đồ có viết: “Ăn mừng kỳ nghỉ mùa đông từ Moskva tới Vladivostok”. Nhiều người Nga dùng Vkontakte đã phản đối dữ dội tấm bản đồ “không hoàn chỉnh” này nên Coca Cola đã nhanh chóng xoá đi.
Ngày 5/1 vừa qua, Coca Cola tiếp tục đăng tải lời chúc năm mới, lần này đi kèm với tấm bản đồ “hoàn chỉnh” có cả đảo Kuril, Kaliningrad và Crimea. “Chúng tôi xin lỗi. Bản đồ đã được chỉnh sửa. Mong được thông cảm”, công ty viết. Nhưng sau đó không lâu, bản đồ mới này cũng bị gỡ bỏ.
Bản đồ Nga có Crimea đã bị các chính trị gia Ukraine phản ứng. Đảng Svoboda (Tự do) do Oleg Tyagnibok đứng đầu thậm chí còn kêu gọi cấm cửa Coca Cola ở nước này. Trên trang Facebook cá nhân, chính trị gia này dằn mặt Coca Cola: “Ngay lập tức cấm công ty này ở Ukraine, khi công nhận Crimea là một phần của Nga. Tôi tự hỏi… phản ứng của Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine sẽ thế nào?”
Coca Cola không phải là công ty đầu tiên vẽ tấm bản đồ có Crimea thuộc Nga. Hồi tháng 10/2015, một trong những nhà xuất bản học thuật hàng đầu thế giới, NXB Đại học Oxford, đã phát hành một số sách giáo khoa cho Crimea là một phần của lãnh thổ Nga. Cũng trong tháng 10 vừa qua, nhà xuất bản Larousse của Pháp cũng cho ra mắt tập atlas thế giới ấn bản năm 2016 miêu tả Crimea là một phần của Nga.
Công dân ở Crimea và Sevastopol đã bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014. Ukraine không công nhận kết quả này.