Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, nhà lãnh đạo Colombia khẳng định “quyết tâm hồi sinh rừng Amazon”, trong khi Tổng thống Maduro cho rằng một trong những nhiệm vụ cấp bách của các nước Nam Mỹ là ngăn chặn nạn phá rừng Amazon và khởi động một tiến trình khôi phục một cách có phối hợp.
Tổng thống Petro đánh giá việc nhà lãnh đạo cánh tả Brazil Luiz Inácio Lula da Silva quay trở lại nắm quyền sẽ tạo thuận lợi để quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này tham gia liên minh. Dù tham vọng về sự tái sinh của khu rừng Amazon là rất lớn, song Tổng thống Petro thừa nhận ở thời điểm này đây mới chỉ là những tuyên bố ban đầu và hy vọng cả 9 nước liên quan tới rừng nguyên sinh này sẽ tham gia cơ chế chiến lược trên. Ngoài ra, ông Petro cũng mong muốn có sự tham gia của Mỹ bởi vì đây là quốc gia có lượng khí thải lớn nhất ở châu lục.
Liên quan tới nguồn vốn hoạt động, ông Petro khẳng định Colombia sẽ huy động khoảng 200 triệu USD mỗi năm trong vòng 20 năm tới cho các chương trình bảo vệ rừng Amazon. Ông cũng hy vọng các nước tham gia liên minh sẽ đóng góp và mở một quỹ chung, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân và các quốc gia khác cũng tham gia vào quĩ này. Dự kiến, Colombia sẽ đứng ra tổ chức một hội nghị thượng định của các nước vùng Amazon vào năm 2023 để chính thức phát động việc thành lập liên minh chiến lược này.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Amazon Conservation, tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 13% diện tích rừng nguyên sinh Amazon đã bị xóa sổ. Với diện tích hơn 7 triệu km2 trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Surinam và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Rừng Amazon hiện cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người bản địa thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động thực vật khác nhau. Các tổ chức bản địa đại diện cho hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025.