Gần đây nhất, IS đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố ngày 14/5 tại thành phố Surabaya, Indonesia do những thành viên gia đình cùng thực hiện, trong đó có cả trẻ nhỏ. Đã có 10 người thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Indonesia cùng Malaysia và Singapore từ năm 2015 đã cảnh báo rằng khả năng IS tấn công khu vực này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại thành phố Surabaya ngày 14/5 khiến 13 người thiệt mạng. Ảnh: AFP |
Vào tháng 1/2016, nhiều vụ nổ và đấu súng đã xảy ra tại trung tâm thủ đô Jakarta khiến 4 người dân và 4 kẻ tấn công thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên một vụ tấn công có liên quan tới IS xảy ra ở Indonesia.
Kẻ tấn công khi đó là thành viên của nhóm phiến quân Jemaah Ansharut Daulah (JAD) tại Indonesia, từng thề trung thành với IS. Kể từ đó, IS tiếp tục chứng tỏ “sức hút” với những nhóm phiến quân khắp Đông Nam Á.
IS đã nỗ lực tuyên truyền tại Đông Nam Á sau vụ tấn công tại Jakarta. Đài BBC (Anh) cho biết tổ chức khủng bố này thậm chí sử dụng tiếng Indonesia trong các video để đe dọa chính phủ và cảnh sát, đồng thời khuyến khích phần tử ủng hộ tiến hành thêm những vụ tấn công.
Năm 2017, Tướng quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo nhận định IS đã mở rộng chân rết ra hầu hết mọi tỉnh thành của quốc gia này.
Thế hệ phiến quân hiện tại ở Indonesia là những đối tượng “thấm nhuần” tư tưởng cực đoan từ internet và từng theo các phong trào cực đoan cũ. Tuy nhiên, chúng lại có ít mối liên hệ với thế hệ cũ. Các chuyên gia cho rằng những phiến quân này thường coi những kẻ tiền nhiệm quá “nhút nhát” do vậy sau đó chúng quyết định chia tách thành nhóm mới nhỏ hơn, hành động "quyết liệt" hơn.
Đài BBC (Anh) cho biết có tới 30 nhóm phiến quân tại Indonesia đã thề trung thành với IS. Trong số này có những nhóm còn tuyên bố về tham vọng thành lập một tỉnh chính thức của IS tại Đông Nam Á,
Hàng trăm người Indonesia cũng đã rời quốc gia này để đến Syria và Iraq chiến đấu cho IS.
Thủ lĩnh của JAD, tên Aman Abdurrahman được cho đã tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với phiến quân tại Indonesia mặc dù đã bị giam giữ tại quốc gia này trong 12 năm.
Hiện tại, hắn đang đối mặt với phiên tòa xét xử hành vi khủng bố khi vẫn ở sau song sắt của một trại tạm giam nơi các nhà phân tích đánh giá là “nguồn” cho những kẻ ủng hộ IS.
Hiện trường vụ tấn công năm 2002 tại Bali. Ảnh: Getty Images |
Sau vụ tấn công đẫm máu vào năm 2002 do phiến quân ủng hộ al-Qaeda tiến hành khiến 202 người thiệt mạng tại Bali, nhà chức trách địa phương đã tiến hành chiến dịch xử lý những nhóm cực đoan.
Các nhà chức trách Indonesia sau đó đã cầm tù 800 phiến quân và tiêu diệt hơn 100 tên kể từ vụ đánh bom Bali. Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi những tên phiến quân được ra tù không đạt được kết quả như mong đợi. Dù vậy, cảnh sát đã ngăn được nhiều vụ tấn công nhờ theo dõi sát những cá nhân cực đoan.