Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 5/10 và xác lập mức đỉnh trong nhiêu năm trở lại đây. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã tăng 1,31 USD (1,7%) lên 78,93 USD/thùng. Trong phiên này, dầu WTI đã có lúc tăng hơn 2% lên mức cao 79,48 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 7 năm. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,3 USD (1,6%) lên 82,56 USD/thùng. Trước đó dầu Brent đã đạt mức cao của ba năm là 83,13 USD/thùng.
Đà tăng giá xuất hiện trong bối cảnh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng theo cam kết tại cuộc họp hồi tháng 7/2021. Theo kết luận tại phiên họp ngày 4/10, OPEC+ chỉ tăng 400.000 thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4/2021, chứ không tăng mạnh cung như cách mà Mỹ, Ấn Độ đang gây sức ép với OPEC+.
Giá dầu mỏ và khí đốt đã tăng gấp đôi trong vòng một năm trở lại đây. Vì các mặt hàng năng lượng được giao dịch trên thị trường toàn cầu, nên không có bất kỳ nước nào miễn nhiễm tác động trước xu hướng tăng giá. Giá xăng tại Mỹ tăng trung bình 50% trong cùng thời kỳ. Cùng lúc, Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải đối diện với khủng hoảng nguồn điện, trong khi giá khí đốt tại châu Âu liên tục xác lập những mức giá cao nhất trong lịch sử.
Và giá có thể còn tăng nữa trong mùa đông nay, khi nhu cầu tiêu thụ phục vụ cho sưởi ấm tăng vọt. Ngân hàng Bank of America (BoA) dự đoán dầu thô có thể sớm cán mốc 100 USD/thùng ngay cuối năm 2021. Giá các mặt hàng năng lượng leo thang chủ yếu là mất cân bằng cung cầu trên thị trường.
Cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh khi kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục. Cầu cao gây ra thiếu hụt khí đốt tại châu Âu và Trung Quốc, buộc một số công ty điện chuyển sang chạy dầu thay khí, khiến giá dầu tăng và rồi gây ra vòng xoáy tăng giá cho cả hai mặt hàng này.
Yếu tố nguồn cung phức tạp hơn. Ngoài việc OPEC+ không tuân thủ lộ trình sản lượng cam kết, không tăng mạnh sản lượng khai thác, suy giảm hoạt động trong ngành dầu đá phiến ở Mỹ cũng là một nhân tố chi phối. Các nhà sản xuất dầu đá phiến ngày một thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư, mở rộng khai thác mỗi khi giá dầu tăng, sau khi chứng kiến làn sóng phá sản hàng loạt mới đây trong ngành, cũng như việc nhà đầu tư đỏi hỏi tăng khoản lợi tức thu được.
Theo Phil Orlando, nhà chiến lược trưởng về thị trường hàng hóa tại quỹ Federated Hermes, sản lượng dầu mỏ, khí đốt còn bị kìm kẹp khi những nền kinh lớn nhất thế giới chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế.
Giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Mỗi đồng USD được chi cho hóa đơn tiền điện, tiền khí đốt tăng cao đồng nghĩa với giảm chi tiêu cho các hoạt động khác như mua sắm, đi du lịch, ăn nhà hàng. Giá xăng, dầu tăng mạnh cũng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trong ngắn hạn. Tất cả những tác động này như một đòn giáng nữa vào nền kinh tế thế giới, vốn đang trong tiến trình phục hồi mong manh do tác động từ đại dịch COVID-19.
Đơn cử, chuỗi cung toàn cầu có thể sẽ lại có thêm cú sốc mới từ Trung Quốc. Thiếu hụt điện năng tại đại lục đe dọa làm gián đoạn sản xuất tại những địa phương đầu tàu trong lĩnh vực này như Giang Tô, Triết Giang và Quảng Đông - ba tỉnh chiếm tổng cộng khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc. Sản lượng hàng hoá giảm có thể đẩy giá cả tăng cao ở cả Trung Quốc và các nước nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc.
“Thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm từ dệt may, đồ chơi trẻ em tới linh kiện máy móc”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura Holdings tại Hồng Kông, ông Lu Ting, chia sẻ với hãng tin Bloomberg.