Sau hơn một tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm tại hầu khắp khu vực, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức và Italy đều đã chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại với số ca mắc gia tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Tại Pháp, số ca mắc mới đã tăng hơn 33% trong một tuần kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch hôm 14/3 vừa qua.
Tại Đức, dù số ca mắc mới mỗi ngày ở mức cao kỷ lục với gần 300.000 ca hôm 18/3, Quốc hội nước này vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước theo đúng thời hạn vào ngày 20/3. Tuy nhiên, hầu hết các bang của Đức vẫn duy trì các hạn chế phòng dịch này.
Tại Italy, Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi cuối tuần qua đã thông báo kế hoạch dần gỡ bỏ gần như tất cả hạn chế trước ngày 1/5 tới, bất chấp số ca mắc mới COVID-19 gia tăng.
Tại Anh, nơi hiện cứ 20 người thì có 1 người nhiễm bệnh, chính phủ đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại quốc tế cuối cùng hôm 18/3.
Trong khi đó, đối mặt với số ca mắc mới gia tăng, Áo cuối tuần qua thông báo sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang FFP2, chỉ vài tuần sau khi Vienna dỡ bỏ biện pháp này.
Trong khi một số ý kiến cho rằng dịch bệnh gia tăng là do chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế quá vội vàng, giới chuyên gia dịch tễ học chỉ ra rằng dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia. Ước tính BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn khoảng 30% so với bản gốc của biến thể Omicron (BA.1).
Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick của Anh nhận định số ca mắc mới gia tăng tại châu Âu là do "một cơn bão hoàn hảo" tổng hợp ba yếu tố gồm việc dỡ bỏ các hạn chế, sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau khi tiêm chủng và tốc độ lây lan của dòng phụ BA.2.
Ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Geneva, cũng đồng quan điểm về vấn đề này, đồng thời cho biết thêm có "mối tương quan chặt chẽ" giữa đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với mức độ ô nhiễm không khí tăng cao tại Tây Âu.
Trong khi đó, Giáo sư Simon Clarke, giáo sư vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading, nhận định dòng phụ BA.2 dường là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh và điều này một lần nữa phản ánh tình hình có thể thay đổi nhanh chóng khi virus biến đổi.
Nhằm củng cố khả năng miễn dịch đang suy giảm, một số quốc gia như Pháp đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư. Anh cũng dự kiến triển khai chiến dịch tiêm phòng tương tự vào tuần này đối với những người sống tại các viện dưỡng lão, người trên 75 tuổi và các trường hợp suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện các biến thể mới nếu các quốc gia giàu tiếp tục tiêm mũi tăng cường cho công dân nước họ thay vì chia sẻ vaccine với những nước có nhiều người chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine phòng COVID-19 nào.
Về phần mình, ông Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp, đã đưa ra cảnh báo về các biến thể tiềm tàng có thể xuất hiện vào mùa Thu năm nay, hoặc thậm chí sớm hơn. Không một nhà khoa học nào biết trước được liệu biến thể đó có dễ lây truyền hơn, có độc lực lớn hơn và có thể né tránh miễn dịch được tạo ra từ việc tiêm vaccine hay không.