12 năm tính từ ngày 11/9/2001 - thời điểm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng do tổ chức Al-Qaeda tiến hành nhằm vào nước Mỹ, chủ yếu ở thành phố New York; còn đấy những dấu hỏi về an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ sau thảm kịch động trời này.
Từ hàng trăm triệu trái tim Mỹ bị tứa máu…
Vâng, rất nhiều người Mỹ đã nói với chúng tôi như vậy khi nhắc lại sự kiện 11/9, và rất đông đã cố quên nó đi nhưng ngặt nỗi, càng muốn quên, lại càng nhớ. Mà quên sao được khi chỉ trong 16 phút đồng hồ, từ 8 giờ 46 phút hôm ấy, hai máy bay chở khách đã bị 10 tên không tặc của Al-Qaeda cướp trắng, rồi lao thẳng vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, một biểu tượng của sức mạnh Mỹ, khiến cả hai tòa tháp bị đổ sập ngay sau đó. Đấy là chưa kể hai chiếc máy bay khác cũng bị cướp cùng thời điểm, đã đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington D.C và thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, song không gây nhiều thiệt hại.
Tác giả bên đài phun nước tưởng niệm vụ 11/9. |
Không tứa máu sao được khi vụ này đã làm 2.996 người chết, trong đó có 372 người nước ngoài thuộc gần 70 quốc tịch, và 2.0 người bị thương.
Không tứa máu sao được bởi nước Mỹ đã ”ném qua cửa sổ” khoảng trên 2.000 tỷ USD, từ thiệt hại vật chất của 2 tòa tháp, tiền bảo hiểm, thất thu của các hãng hàng không, đến tiền bồi thường nạn nhân, và chi phí xây dựng lại... Tuy nhiên, những khoản chi lớn nhất phải kể đến số tiền đổ vào các cuộc chiến “chống khủng bố” của Mỹ ở Iraq, Afganistan và Pakistan với khoảng 1.500 tỷ USD, và sẽ là không dưới 4.000 tỷ USD sau ít năm nữa; hay 450 tỷ USD chi cho hoạt động của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, được thành lập ngay sau vụ trên; rồi vì vụ trên, mỗi năm nước Mỹ bị mất thêm khoảng 80 tỷ USD chi cho các hoạt động tình báo...
Đến suy ngẫm bên những tấm bia…
Trên Washington D.C, tôi đã đứng bên”bức tường bia”, ghi la liệt tên tuổi của 58.000 binh sĩ Mỹ chết trận trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, còn ở New York tại nền cũ của hai tòa tháp WTC nọ, nay trước mắt tôi là hai đài phun nước to vật vã, trên thành ghi tên của gần 3.000 con người bị chết trong trận khủng bố kinh hoàng hôm 11/9 ấy….
Khác với”bức tường bia” kia, muốn tới hai đài phun nước nọ, du khách phải qua mấy vòng khám an ninh, xuất trình đủ loại giấy tờ, thế mà lúc nào cũng chật ních người tứ xứ, và dường như lòng ai cũng nặng trĩu những uất hận, thương cho những cái chết vô cùng oan uổng. Vẫn biết chết là hết, nhưng có những cái chết mà ngàn đời sau hậu thế có lương tri vẫn còn trách móc, oán hận. Chả thế mà không ít người yêu hòa bình, công lý ở Mỹ từng đặt câu hỏi về lý do tồn tại của “bức tường bia” kia. Còn ở New York, dường như ai đến thăm hai đài phun nước kia cũng phải lau nhanh những giọt nước mắt, khóc thương mấy nghìn con người bị chết tức tưởi. Và nữa, ai đến đây cũng vội vã ra về, không muốn đứng lâu ở nơi từng là tận cùng của tội ác do đồng loại gây ra.
Đến những chỗ ấy, rồi tĩnh tâm lại, chắc hẳn ai cũng dễ nhận ra rằng mẫu số chung cho chốn này không gì khác, chính là những chính sách sai lầm của một số chính quyền Mỹ: Lúc thì mang quân đi xâm lược xứ người, lúc thì nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt, khinh thường dân tộc này, chê bai tôn giáo kia, rồi mượn tay kẻ này đánh đấm người khác...
…Và những dấu hỏi
Vâng, cùng với cả nghìn tỷ USD đổ vào cuộc chiến chống khủng bố hơn chục năm qua, cả nước Mỹ đang quyết chặn đứng đại họa ấy. Song, lực có vẻ đang bất tòng tâm. Bởi, nếu đã có an ninh, cớ gì nước Mỹ cứ phải căng mình chống đỡ mãi như thế, và tại sao thỉnh thoảng lại có báo động khủng bố, thậm chí có lúc phải đồng loạt đóng cửa hàng chục sứ quán ở nước ngoài, dù thừa biết sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Và, vì thế câu hỏi lớn nhất cho nơi đây sau vụ 11/9 vẫn là: Bao giờ nước Mỹ mới có an ninh?
Và chừng nào vẫn còn câu hỏi ấy, ắt sẽ có vô số câu hỏi khác, ví như xã hội Mỹ còn phân hóa ra sao nếu chưa có an ninh? Nền kinh tế Mỹ còn bị tác động đến đâu vì thiếu an ninh? Quyền con người ở Mỹ còn bị vi phạm đến mức nào vì bị mượn cớ chống khủng bố? Nước Mỹ sẽ gây chiến ở đâu nữa để “chống khủng bố”, rồi bao nhiêu nghìn người nữa sẽ chết theo cuộc chiến ấy? Và quan hệ quốc tế sẽ ra sao khi dường như cả thế giới này đang bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố bất tận của Mỹ...
Vâng, cuộc chiến ấy sẽ là bất tận nếu bên chủ chiến cứ dùng mãi bạo lực để chống bạo lực, lấy khủng bố để đè khủng bố như bấy lâu nay, thay vì phải xác định thật khách quan nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố, đấy là bất công, bất bình đẳng, là đói nghèo, thất học, thiếu tự do, phi dân chủ... đang bao trùm phần không nhỏ của Trái đất, để từ đó loại trừ khủng bố từ gốc bằng cách cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới văn minh, bình đẳng và cùng phát triển. Được như thế, chủ nghĩa khủng bố ắt không còn đất sống, và vụ 11/9 sẽ mãi mãi đi vào dĩ vãng.
Phạm Phú Phúc (Phóng viên TTXVN tại New York)