Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng 2 đã công bố báo cáo nhấn mạnh từ nay đến năm 2040, Ấn Độ sẽ có nhu cầu năng lượng lớn nhất thế giới và vượt qua Trung Quốc.
Kênh RT (Nga) đánh giá báo cáo của IEA càng khiến Mỹ coi Ấn Độ là nhà tiêu thụ năng lượng đáng tin cậy đối với các nhà sản xuất và khai thác khí đốt, dầu mỏ Trung Đông, thay thế Trung Quốc.
IEA đánh giá mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ đến năm 2040 dự kiến tăng gấp đôi. Theo đó, nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ đến năm 2040 có thể đạt mức 8,7 triệu thùng/ngày, trong khi năm 2019, con số này là 5 triệu thùng. Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ Dharmendra Pradhan cũng nói rằng nhu cầu của nước này với “vàng đen” dự kiến đến 2030 đạt mức 7 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc có hiện diện khá mạnh tại Trung Đông liên quan đến ngành năng lượng và Mỹ cũng nhận thức được thực trạng này. Do vậy, trong tuyên bố vào tháng 8/2020, thỏa thuận Mỹ-Israel-Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có đề cập đến việc 3 quốc gia thống nhất hợp tác trong ngành năng lượng khí đốt và dầu mỏ.
Một yếu tố khác trong chiến thuật của Mỹ tại Trung Đông là tìm khách hàng thay thế Trung Quốc cho các nhà sản xuất, khai thác khí đốt, dầu mỏ tại khu vực này và Ấn Độ là cái tên tiềm năng.
Theo RT, một nguyên do khác khiến Mỹ ưu tiên Ấn Độ trong kế hoạch của nước này là bởi quan hệ không tốt đẹp giữa New Delhi và Bắc Kinh.
Trong thời gian qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra bất đồng tại khu vực biên giới. Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ.
Gần đây, Ấn Độ còn cấm hơn 170 ứng dụng của Trung Quốc với lý do các ứng dụng này thu thập và chia sẻ dữ liệu người sử dụng, gây mối đe dọa với quốc gia. Các chuyên gia đánh giá đây là đòn trừng phạt của Ấn Độ lên Trung Quốc vì vấn đề biên giới.