Theo Reuters, một trợ giảng tên là Georgina đang ổn định cuộc sống mới ở thành phố đóng tàu Cherbourg ở Pháp cùng người chồng Australia thì nghe tin Australia hủy đặt hàng đóng tàu ngầm. Chính vì đơn đặt hàng tàu ngầm 65 tỷ USD này mà chồng Georgina được điều tới Pháp để làm việc.
10 tháng sau khi hai vợ chồng tới Pháp, Georgina chỉ còn hai tuần nữa là bắt tay vào công việc mới thì tin xấu ập tới. Cô cho biết vợ chồng cô vẫn còn sốc. Cô nói: “Thật là đáng tiếc, chúng tôi thích ở đây. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp”.
Câu chuyện của vợ chồng Georgina chỉ là một ví dụ về thiệt hại lớn mà việc hủy hợp đồng tàu ngầm gây ra với thành phố cảng Cherbourg ở Normandy.
Pháp và công ty đóng tàu Naval Group cho rằng Australia đã giữ bí mật về việc xé bỏ hợp đồng với Pháp để tham gia thỏa thuận tay ba AUKUS, mà theo đó Mỹ, Anh sẽ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Phát ngôn viên công ty Naval Group cho biết để tiến hành giai đoạn thiết kế trong khuôn khổ dự án, họ đã cử thêm 10 kỹ sư và gia đình người Australia tới Cherbourg vào tháng này.
Trong khi đó, Severine Chesne đã chuẩn bị nhận thêm trẻ em người Australia nhập học trường tiểu học Montessori mà bà đồng sáng lập. Vào sáng 15/9, ngày mà Australia hủy thỏa thuận với Pháp, một nhân viên Naval Group đã gọi điện để sắp xếp đăng ký học cho con vào tuần sau đó.
Bà Chesne cho biết ba trong số 6 nhân viên nói tiếng Anh của mình là vợ/chồng của những người Australia làm việc trong dự án tàu ngầm và tương lai của họ giờ bấp bênh. Dù vậy, bà cho biết trường học của mình không phải là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đơn hàng tàu ngầm của Asutralia chiếm tới 10% doanh thu hàng năm của Naval Group, tập đoàn đã tuyển dụng 3.400 người ở Cherbourg. Các nhà thầu phụ cũng có hàng trăm việc làm tại địa phương này.
Dù vậy, Giám đốc điều hành Pierre Eric Pommellet của Naval Group cho biết công ty “bị đâm nhưng không chìm”. Ông cho biết sẽ sắp xếp lại việc làm cho 500 nhân viên ở Cherbourg đang phụ trách đơn hàng của Australia sang các dự án khác. Dù vậy, việc này cũng không dễ dàng gì.
Người dân và quan chức ở Cherbourg cho biết hợp đồng tàu ngầm với Australia đã khiến kinh tế thành phố thêm phát triển từ khi được ký năm 2016 và khiến thành phố 80.000 dân này phấn khởi.
Việc hủy bỏ hợp đồng sẽ tạo ra làn sóng mạnh khi Naval Group và các nhà thầu phụ sẽ phải giảm thuê lao động.
Tại thành phố tự hào vì năng lực ngành đóng tàu hải quân, tâm lý thất vọng bao trùm khi hợp đồng lớn tuột khỏi tầm tay. Anne-Marie Quintin, người có anh trai và cháu trai làm ở Naval Group, nói: “Họ đang chơi đùa với mạng người”. Trước đó, Chính phủ Pháp cho rằng mình đã bị đồng minh thân cận đâm sau lưng.
Ngày 15/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh mới ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) để bảo vệ và đảm bảo các lợi ích chung của 3 nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ AUKUS, Anh và Mỹ cam kết cung cấp cho hải quân Australia công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia đã từ bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường trị giá 65 tỷ USD với Pháp để ủng hộ AUKUS, động thái khiến Pháp tức giận. Pháp cũng triệu hồi các Đại sứ tại Australia và Mỹ.
Ngày 21/9, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết Paris sẽ không nhanh chóng gác lại tranh cãi với Australia liên quan đến việc phá vỡ hợp đồng tàu ngầm, đồng thời đang đánh giá mọi lựa chọn về cách thức phản ứng.
Một quan chức thuộc văn phòng Bộ trưởng Thương mại Pháp ngày 24/9 cho biết Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này, Franck Riester đã từ chối lời đề nghị gặp gỡ với người đồng cấp phía Australia, Dan Tehan vào tháng tới ở Paris.