Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế và an ninh”, giải thưởng năm nay có 64 ứng cử viên và cuối cùng được trao cho Tiến sĩ Sok Ching Cheong (Malaysia) và Tiến sĩ Supiya Charoensiriwath (Thái Lan).
Tiến sĩ Sok Ching Cheong, Trưởng Đơn vị nghiên cứu y tế kỹ thuật số thuộc Viện nghiên cứu ung thư Malaysia được trao giải ở hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học trên 46 tuổi, với phần thưởng trị giá 12.500 USD.
Tiến sĩ Supiya Charoensiriwath, nghiên cứu viên chính thuộc Trung tâm Công nghệ máy tính và Điện tử quốc gia Thái Lan nhận giải ở hạng mục dành cho các nhà khoa học dưới 45 tuổi, với phần thưởng trị giá 12.500 USD.
Tiến sĩ Siriwan Suebnukarn (Thái Lan) và Tiến sĩ Maxine Tan (Malaysia) được trao giải thưởng danh dự với phần thưởng trị giá 5.000 USD.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Bùi Thế Duy, Chủ tịch ASEAN COSTI 2022, chúc mừng những người được nhận giải thưởng vì đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc y tế và an toàn của mọi người bằng trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Jill Crisman, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu an toàn kỹ thuật số thuộc Viện nghiên cứu UL khẳng định AI và công nghệ máy học hứa hẹn sẽ giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe và an toàn trong khu vực ASEAN cũng như cộng đồng toàn cầu trong nhiều năm tới.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Yohannes A. Abraham nhấn mạnh Mỹ coi trọng việc trao quyền cho các nhà khoa học nữ vốn đang nỗ lực cho xã hội tốt đẹp hơn theo cách an toàn và bền vững, đồng thời đóng vai trò là hình mẫu cho những người khác.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ được trao thường niên nhằm vinh danh các nhà khoa học nữ có triển vọng, mới vào nghề, vì những thành tích học tập và chuyên môn của họ.