Văn phòng quản lý công việc Hoàng giao Nhật Bản chia sẻ với kênh CNN cho hay, các kế hoạch đã được tiến hành để phục vụ cho lễ đính hôn của công chúa với một người bạn cùng trường đại học.
Vị hôn phu của Mako là Kei Komuro, cũng 25 tuổi, nhân viên tập sự tại một hãng luật, từng tham gia chiến dịch quảng bá du lịch với vai trò “Hoàng tử của Biển”.
Cặp đôi gặp gỡ cách đây 5 năm khi là sinh viên tại trường Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Tokyo. Tại thời điểm này, Komuro đã đóng vai “Hoàng tử của Biển” trong chiến dịch du lịch cho thành phố Fujisawa ở phía Nam Tokyo.
Ngày 17/5, sau khi hay tin, báo giới đã đổ dồn sự chú ý vào nam thanh niên đã chiếm được trái tim của Công chúa Mako. Rất đông phóng viên đã tụ tập trước cửa công ty luật mà Komuro thực tập. Thanh niên này đã từ chối trả lời câu hỏi về lễ đính hôn sắp diễn ra: “Tôi sẽ nói về điều này khi tới lúc”. Theo đài NHK, Komuro đã đưa Công chúa Mako về giới thiệu với gia đình và được bố mẹ anh chấp nhận.
Kei Komuro, người chiếm được trái tim Công chúa Mako. |
Trong khi đó, người dân Nhật Bản hiếu kỳ về chàng trai nên đã đổ xô vào website Hoàng tử Biển thành phố Fujisawa để tìm hiểu thông tin.
Theo luật hàng gia đã tồn tại nhiều thế kỷ nay tại Nhật Bản, một công chúa sẽ phải rời khỏi gia đình hoàng gia, sống một cuộc sống thường dân nếu kết hôn với một người thường. Trường hợp xảy ra gần đây nhất là Công chúa Sayako, con gái duy nhất của Nhật hoàng Akhito khi cô cưới thường dân Yoshiki Kuroda năm 2005.
Hiện tại số lượng thành viên Hoàng gia Nhật Bản đang bị thu hẹp, còn 19 thành viên trong đó có tới 14 người là nữ. Luật Hoàng gia chỉ cho phép ngôi vị Nhật hoàng được truyền cho nam giới và cụ thể là ba nhân vật: Thái tử Naruhito, Thái tử Akishino và Hoàng tử Hisahito.
Công chúa Mako (ngoài cùng bên trái) là con gái đầu lòng của Thái tử Akishino. Trong ảnh là các thành viên trong gia đình Thái tử Akishino. |
Ngoài Công chúa Mako còn có sáu công chúa khác chưa kết hôn. Họ cũng có thể đánh mất thân phận hoàng gia nếu cưới người thường. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng gia đình Hoàng gia Nhật Bản không còn đủ thành viên để thực hiện nhiệm vụ của họ.
Meiko Hirayama, nhân viên tại một công ty kế toán cho rằng cách thành viên nữ trong Hoàng gia Nhật Bản nên được phép ở lại gia đình sau khi kết hôn với thường dân. “Tôi cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu có một nữ Nhật hoàng một ngày nào đó”, cô Hirayama chia sẻ.
Tuy nhiên, cụ Katsuiji Tsunoda 81 tuổi lại khẳng định ngôi vị chỉ nên trao cho nam giới vì “đó là một truyền thống đã được tiếp nối hơn ngàn năm, nếu chúng ta chạy theo xu thế trên thế giới, ai cũng sẽ có thể trở thành đế vương. Chúng ta nên tôn trọng truyền thống”.