Công dân Liban ở nước ngoài sẽ đi bỏ phiếu tại 59 quốc gia, nhưng chỉ 10 quốc gia trong số này sẽ chứng kiến giai đoạn bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 6/5. Đây là những nước có ngày cuối tuần rơi vào thứ Sáu và thứ Bảy, trong đó có Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Syria và Iraq. Cuộc bỏ phiếu giai đoạn hai diễn ra vào ngày 8/5 tại các quốc gia có ngày cuối tuần rơi vào thứ Bảy và Chủ Nhật.
Cuộc bầu cử quốc hội tại Liban dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/5, với tổng cộng 718 ứng cử viên tham gia tranh cử vào cơ quan lập pháp gồm 128 ghế. Việc tổ chức cuộc bầu cử quốc hội là đặc biệt cấp thiết đối với Liban, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và tài chính. Nhiệm kỳ của quốc hội hiện tại, được bầu cách đây 4 năm, sẽ kết thúc vào ngày 21/5 tới.
Trước đó, ngày 4/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Liban tổ chức cuộc bầu cử quốc hội "tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm" vào ngày 15/5 tới, đồng thời hối thúc nước này nhanh chóng thành lập chính phủ sau bầu cử quốc hội để ưu tiên thực hiện các cải cách nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trong một báo cáo trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), ông Guterres nói rằng sự phân cực chính trị ở Liban ngày càng trở nên sâu sắc và người dân nước này hàng ngày đang phải vật lộn để có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cơ bản. Tổng thư ký LHQ chỉ ra rằng làn sóng biểu tình đã diễn ra thường xuyên trên toàn quốc do sự thất vọng của dân chúng đối với tình hình chính trị và cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trong nước. Các phe cánh trong chính phủ Liban hầu như không làm gì để giải quyết cuộc cuộc khoảng kinh tế hiện nay, khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn khi họ rơi vào cảnh nghèo đói.