Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Trudeau cho hay công dân Canada thứ ba bị bắt tại Trung Quốc là Sarah McIver, đến từ Alberta, đang dạy tiếng Anh tại Trung Quốc. Trước đó, Bộ Ngoại giao Canada xác nhận Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân nước này.
Người thứ nhất là ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao và hiện là chuyên gia phân tích cho một tổ chức phi chính phủ có tên Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG). Trong khi đó, công dân thứ hai Bộ Ngoại giao Canada xác nhận Trung Quốc đã bắt giữ là Michael Spavor với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Phía Canada đã được tiếp cận lãnh sự đối với hai công dân này.
Theo ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, những phát biểu của Thủ tướng Trudeau không xua tan mối quan ngại rằng Trung Quốc đang tiếp tục “trừng phạt” Canada sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Theo ông, ở thời điểm hiện nay khó có thể tách rời bất cứ vụ bắt giữ công dân Canada nào tại Trung Quốc với quan chức Huawei.
Các vụ bắt giữ trên xảy ra sau khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” khi tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Canada đã nhấn mạnh vụ bắt giữ này không có động cơ chính trị và khẳng định tính độc lập của cơ quan tư pháp nước này. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, CFO của tập đoàn Huawei bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác. Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Vụ việc liên quan đến vị CFO này được giới quan sát dự báo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.