Theo các cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 27/5, đảng Bảo thủ theo đường lối trung hữu của Thủ tướng Theresa May vẫn dẫn trước các đảng đối thủ cực tả, nhưng khoảng cách chênh lệch đã giảm từ 2-6%, từ đó hạ thấp dự báo về một chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ.
Thủ tướng Anh Theresa May (phía trước) tại cuộc vận động tranh cử ở Harrow, tây bắc London ngày 8/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Cụ thể, khảo sát của Opinium cho thấy đảng Bảo thủ nhận được 45% số ý kiến ủng hộ so với 35% dành cho Công đảng đối lập. Cách biệt 10% phản ánh sự thu hẹp đáng kể so với kết quả thăm dò cách đây 1 tuần, khi đảng Bảo thủ dẫn trước 13% và mức 19% cách đây gần 1 tháng.
Cũng theo Opinium, 37% cử tri được hỏi cho biết quan điểm của họ về Thủ tướng Theresa May "tiêu cực hơn" so với thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử, trong khi chỉ có 25% bày tỏ quan điểm "tích cực hơn". Về phía Công đảng, có tới 39% cử tri đưa ra cái nhìn tích cực hơn về lãnh đạo đảng này Jeremy Corbyn (Giê-rê-mi Cô-bin), so với 14% có ý kiến ngược lại.
Trong khi đó, khảo sát của ComRes cho thấy 46% cử tri dự định bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ (giảm 2%), trong khi Công đảng nhận được 34% (tăng 4%). Mặc dù khoảng cách chênh lệch là 12%, giảm 6% so với kết quả ngày 13/5, song số cử tri bày tỏ tin tưởng Thủ tướng Theresa May trên trường quốc tế vẫn cao hơn so với lãnh đạo Công đảng Corbyn, với tỷ lệ lần lượt 49% và 21%.
Tuy nhiên, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, ông Corbyn được tín nhiệm hơn (42%) so với bà Theresa May (25%). Khảo sát được thực hiện và công bố sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Manchester, Tây Bắc nước Anh, làm ít nhất 22 người thiệt mạng và gần 120 người bị thương.
Theo khảo sát của ORB, khoảng cách chênh lệch giữa đảng Bảo thủ và Công đảng là 6%, giảm từ mức 12% cách đây 1 tuần. Trong khi đó, khảo sát của YouGov cho thấy chênh lệch giữa 2 đảng đã giảm 2%, từ mức 9% của tuần trước xuống còn 7%.
Cuộc tổng tuyển cử trước hạn của Anh dự kiến vào ngày 8/6 tới sớm hơn kế hoạch gần 3 năm rưỡi. Ngày 26/5 vừa qua, các đảng phái chính trị tại Anh đã nối lại chiến dịch vận động tranh cử sau vài ngày tạm dừng do vụ đánh bom liều chết ở Manchester mà tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận tiến hành. Vấn đề an ninh đã được đưa lên trở thành trọng tâm của chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử sắp tới.