Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và thủ lĩnh FARC Timoleón Jiménez tại thủ đô La Habana, Cuba ngày 23/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, đây là tuyên bố đầu tiên của ông Ban Ki-moon sau khi người dân Colombia bác bỏ thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hôm 2/10 vừa qua.
Trong một thông cáo ra cùng ngày, người đứng đầu LHQ cho biết đã cử đặc phái viên Jean Arnault tới Cuba ngay trong ngày để xem xét khả năng tiếp tục đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận, đồng thời bày tỏ tin tưởng người dân Colombia sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình dài lâu.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân Colombia và cho biết quyết định dỡ bỏ tạm thời lệnh trừng phạt FARC của EU sẽ tiếp tục có hiệu lực, mặc dù người dân Colombia không thông qua thỏa thuận hòa bình.
Hôm 26/9 vừa qua, EU đã loại FARC khỏi "danh sách các tổ chức khủng bố” cũng như các biện pháp hạn chế đối với tổ chức này, trong đó có việc đóng băng tài sản cũng như cấm công dân cùng các tổ chức EU cung cấp tài chính và nguồn lực cho FARC. EU đưa FARC vào danh sách nói trên từ năm 2002.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Nga cho biết Moskva ủng hộ những giải pháp chính trị hướng tới hòa bình của Chính phủ Colombia và FARC. Chính phủ Uruguay cũng bày tỏ tin tưởng các bên tại Colombia tiếp tục đối thoại để đạt được thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Ecuador, Argentina và Venezuela khẳng định sẽ luôn ủng hộ thiện chí đối thoại hòa bình của Colombia.
Trước đó, ngày 24/8, sau 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình này.
Tuy nhiên, trong một cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10, các cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình được ký ngày 26/9 giữa Tổng thống Juan Manuel Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono, hay còn được biết đến dưới biệt danh Timoleón Jiménez. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, 50,23% cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận và số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%. Đây là kết quả hoàn toàn bất ngờ với người dân Colombia và cộng đồng quốc tế.
Phát biểu với báo giới tại Dinh Tổng thống ngày 3/10, trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle đã xin từ chức, đồng thời khẳng định "mọi sai lầm là do trách nhiệm của riêng ông".
Trong khi đó, cùng ngày, người đứng đầu FARC, ông Rodrigo Londono cho biết, nhóm này sẵn sàng "sửa đổi" thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia.
Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, làm 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.