Ông Dujarric nêu rõ Tổng thư ký LHQ Guterres lấy làm tiếc trước tình hình biểu tình tại Kyrgyzstan, bùng phát sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4/10, khiến một người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. TTK LHQ kêu gọi các bên kiềm chế, đối thoại và sớm đạt được giải pháp phù hợp trong khuôn khổ hiến pháp của Kyrgyzstan. LHQ sẵn sàng hỗ trợ để có giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này, bao gồm cả giải pháp thông qua Trung tâm Ngoại giao phòng ngừa Trung Á của LHQ.
Cùng ngày 6/10, Điện Kremlin đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Kyrgyzstan và hy vọng các bên ở quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ bất ổn.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Nga có một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á có tầm quan trọng về mặt chiến lược. Nhà chức trách quân đội Nga cho biết đã tăng cường an ninh cho căn cứ quân sự bên ngoài thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.
Cùng ngày, Mỹ kêu gọi các bên tại Kyrgyzstan kiềm chế và có một giải pháp hòa bình. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington đề nghị tất cả các bên kiềm chế bạo lực và giải quyết bất đồng bầu cử thông qua các biện pháp hòa bình.
Bộ Ngoại giao Uzbekistan cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình khủng hoảng chính trị tại quốc gia láng giềng Kyrgyzstan đồng thời hy vọng các bên tìm ra giải pháp ổn định tình hình sớm nhất có thể. Thông báo của bộ trên nêu rõ sự ổn định và bền vững tại Kyrgyzstan là yếu tố quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của toàn bộ khu vực Trung Á. Uzbekistan, một nước láng giềng gần gũi nhất và cũng là đối tác chiến lược của Bishkek, hy vọng Kyrgyzstan sẽ có giải pháp hòa bình phù hợp với hiến pháp và luật pháp quốc gia.
Cuộc bầu cử Quốc hội Kyrgyzstan diễn ra ngày 4/10. Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử trung ương Kyrgyzstan công bố, có 4 đảng giành được số phiếu ủng hộ quá 7% - tỷ lệ tối thiểu để giành được ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, những người phản đối kết quả bầu cử cáo buộc có nhiều vi phạm trong bầu cử, dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực.
Khoảng 2.000 người biểu tình đã tụ tập ở quảng trường trung tâm Al-Too ngày 5/10, yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử và bỏ phiếu lại. Ngày 6/10, những người biểu tình đã xông vào một tòa nhà công quyền và chiếm giữ Quốc hội và Dinh Tổng thống. Sau đó, Ủy ban bầu cử trung ương Kyrgyzstan quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử. Tối cùng ngày, Quốc hội Kyrgyzstan đã triệu tập cuộc họp bất thường, bầu chính trị gia đối lập Sadyr Zhaparov làm Thủ tướng sau khi người tiền nhiệm Kubatbek Boronov từ chức.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Kyrgyzstan Myktybek Abdyldayev được bầu làm tân Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, theo trang tin tức Akipress của Kyrgyzstan, ngay sau khi được bầu, ông Zhaparov và các chính trị gia khác đã phải rời khỏi khách sạn nơi Quốc hội nhóm họp khi một số người cầm gậy và gạch đá xông vào tòa nhà. Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov ngày 6/10 khẳng định đã kiểm soát được tình hình và bày tỏ tin tưởng rằng tất cả các lực lượng chính trị sẽ đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân.