Theo thông tin Nhà Trắng, bên cạnh các nước nêu trên, tuyên bố chung có sự tham gia của các nước Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha và Thái Lan. Tuyên bố chung nêu rõ: “Tại thời điểm quyết định này, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel cũng như Hamas thực hiện bất kỳ thỏa hiệp cuối cùng nào cần thiết để đạt được thỏa thuận ngừng bắn”.
Các nước đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh nhà hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin sau gần 8 tháng xung đột bùng phát ngày 7/10/2023. Ngày 5/6, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cho biết đã cử các phái đoàn đại diện đến Cairo theo lời mời của Ai Cập để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Trước đó, ngày 5/6, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và thực hiện chiến dịch nhân đạo quy mô lớn để hỗ trợ người dân ở vùng lãnh thổ này.
Ai Cập, Qatar và Mỹ đang nỗ lực làm trung gian để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Trước đó, ngày 1/6, ba nước hòa giải kêu gọi Israel và Hamas ký kết thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố, mà theo ông Biden là do phía Israel đề xuất.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden đã trình bày bản kế hoạch do Israel dự thảo hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Theo đó, đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.