Ngày 25/12, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết Washington lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya, khiến 3 người thiệt mạng và 21 người bị thương.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Palladino viết: "Mỹ lên án mạnh mẽ vụ tấn công xảy ra ngày 25/12 tại Bộ Ngoại giao Libya ở Tripoli. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và sát cánh với toàn thể người dân Libya, trong bối cảnh họ chiến đấu với khủng bố và nỗ lực hướng tới một Libya thịnh vượng, ổn định và an toàn".
Cùng ngày, liên đoàn Arab (AL) cũng lên án vụ tấn công khủng bố trên. Trong tuyên bố, Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul - Gheit khẳng định: "Hành động tội ác cực kỳ tàn nhẫn này cho thấy khủng bố đã không còn giới hạn phạm vi khi cướp đi mạng sống của nhiều người dân vô tội". Các phần tử khủng bố đang tìm cách dập tắt mọi nỗ lực nhằm đem lại an ninh và ổn định tại Libya, thậm chí kéo dài cuộc khủng hoảng không biết đến bao giờ". Tổng Thư ký AL nhấn mạnh rằng tình hình hiện nay đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm giúp người dân vượt qua được cuộc khủng hoảng bằng giải pháp đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như hoàn tất việc thành lập hội đồng nhà nước. Tổng Thư ký AL cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Libya, mong muốn những người bị thương nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ai Cập cũng kịch liệt phản đối vụ tấn công nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ngày 25/12. Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã gửi lời chia buồn tới nhân dân, gia đình, người thân của những nạn nhân thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công trên, khẳng định tầm quan trọng của việc huy động nỗ lực của công đồng quốc tế nhằm khôi phục an ninh và ổn định tại Libya.
Hiện Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận tiến hành vụ tấn công trên.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.