Công tố viên Đức đề nghị mức án chung thân đối với kẻ tấn công giáo đường Do Thái

Ngày 18/11, các công tố viên của Đức đã đề nghị mức án tù chung thân đối với đối tượng bị cáo buộc sát hại hai người trong vụ tấn công chống người Do Thái ở thành phố miền Đông Halle hồi tháng 10 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Stephan Balliet, kẻ bị buộc tội bắn chết hai người sau khi cố gắng xông vào giáo đường Do Thái ở Halle trong phiên tòa xét xử ngày 18/11/2020. Ảnh: AFP

Nghi phạm Stepgab Balliet, 28 tuổi, quốc tịch Đức và theo chủ nghĩa cực hữu, bị cáo buộc tìm cách phá cửa và đột nhập vào một giáo đường Do Thái nơi nhiều tín đồ đang tụ họp vào ngày 9/10/2019, đúng ngày Lễ chuộc tội (Yom Kippur) - ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của người Do Thái. Sau khi hành vi này không thành, tay súng này đã bắn chết một phụ nữ qua đường và một người đàn ông ở cửa hàng bán thịt nướng. 

Tại phiên tòa xét xử Balliet ở Magdeburg, công tố viên Kai Lohse nhấn mạnh vụ tấn công vào giáo đường Do Thái ở Halle là một trong những hành động bài Do Thái "khủng khiếp nhất" kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mô tả vụ tấn công như "cơn ác mộng", công tố viên Lohse cho rằng Balliet đã mang "tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại và bài Do Thái" và thực hiện vụ tấn công không chỉ nhằm vào những người hắn sát hại, mà còn "cuộc sống của người Do Thái ở Đức nói chung". 

Balliet đã thừa nhận trước tòa hành vi của mình và tuyên bố những người Do Thái là "kẻ thù" của y. Trước đó, Balliet đã bị cáo buộc hai tội danh giết người cùng nhiều tội danh cố ý giết người trong vụ án gây chấn động nước Đức này. Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong tháng 12 tới.

Vụ tấn công trên đã khiến cộng đồng người Do Thái tại Đức lo ngại tình trạng bạo lực bài Do Thái gia tăng tại quốc gia này cùng với sự lớn mạnh của đảng cực hữu Lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng này bắt đầu có ghế trong Quốc hội Đức hai năm trước và từ đó đã dẫn đầu phong trào bài người di cư, phản đối chính sách "mở cửa" với người di cư của Thủ tướng Angela Merkel. Theo thống kê, tội phạm bài Do Thái đã gia tăng tại Đức trong những năm gần đây, với 2.032 vụ phạm tội được ghi nhận trong năm ngoái, tăng 13% so với năm trước đó.

* Trong khi đó, tại Pháp, giới chức nước này đang "đau đầu" đối phó với xu hướng gia tăng các vụ sát hại người dân mà các đối tượng Hồi giáo cực đoan là thủ phạm. Hãng tin AFP ngày 18/11 đã công bố bản thảo dự luật về ngăn chặn các hành động cực đoan mà giới chức Pháp đang thúc đẩy sau vụ giáo viên dạy lịch sử người Pháp Samuel Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại dã man hồi tháng 10 vừa qua.

Dự luật do Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin và Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti soạn thảo quy định mỗi trẻ em phải được cấp một số định danh (ID) để đảm bảo các em đang ở trường và bảo vệ các em trước nguy cơ bị những đối tượng Hồi giáo cực đoan tấn công. Dự luật cũng cho phép ngăn chặn các phát ngôn thù hận trên mạng bằng cách cho phép xét xử ngay lập tức những người đăng tải.

Các tổ chức phi chính phủ và từ thiện bị nghi ngờ có sự xâm nhập của các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng nằm trong tầm ngắm của chính phủ. Dự luật quy định bất kỳ đoàn thể nào muốn tìm kiếm nguồn tài trợ công phải đồng ý "tôn trọng các nguyên tắc và giá trị của nền cộng hòa" và phải hoàn tiền nếu bị phát hiện vi phạm các quy tắc. Dự kiến, văn kiện này sẽ được trình bày trong cuộc họp nội các vào ngày 9/12 tới.

Dư luận nước Pháp vẫn chưa hết chấn động sau vụ thầy giáo dạy môn lịch sử bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại ngày 16/10 sau khi ông cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Hơn 10 ngày sau, thành phố Nice lại rúng động khi tên Brahim al-Aouissaoui, được xác định là người Tunisia, mới tới Pháp đầu tháng 10 này, đã tiến hành vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ Notre-Dame ở thành phố Nice khiến 3 người thiệt. Các vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố của những đối tượng Hồi giáo cực đoan hồi năm 2015, sau khi tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải các hình ảnh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed.

Sau vụ tấn công bằng dao ở Nice, Chính phủ Pháp phải nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất trên toàn lãnh thổ. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết nhiều binh sĩ sẽ được triển khai để bảo vệ các địa điểm quan trọng như nơi thờ tự và trường học.

Phương Oanh (TTXVN)
Hoạt động bài Do Thái tại Mỹ tăng vọt trong năm 2019
Hoạt động bài Do Thái tại Mỹ tăng vọt trong năm 2019

Liên đoàn chống Phỉ báng (ADL) ngày 12/5 công bố báo cáo cho biết trong năm 2019, tại Mỹ đã xảy ra một số lượng kỷ lục các vụ đụng độ liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời cảnh báo những kẻ cực đoan đang lợi dụng thời điểm xảy ra dịch COVID-19 này để thúc đẩy các hành động hận thù trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN