Công ty Biological E. (Ấn Độ) dự định sản xuất vaccine vào tháng 8 tới

Ngày 7/5, công ty Biological E. của Ấn Độ cho biết sẽ sớm bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn III đối với vaccine ngừa COVID-19 và dự định từ tháng 8 tới sẽ sản xuất 75 triệu – 80 triệu liều vaccine mỗi tháng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Công ty Biological E. phối hợp cùng với trường Đại học y dược Baylor tại thành phố Houston (Mỹ) và công ty Dynavax Technologies (Mỹ) phát triển vaccine ngừa COVID-19. Cuối tháng 4 vừa qua, nhà chức trách Ấn Độ đã cấp phép cho công ty tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với vaccine này. Giám đốc điều hành công ty, bà Mahima Datla tuyên bố Biological E. sẽ sớm bắt đầu cuộc thử nghiệm và sẽ xin cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với dược phẩm này. Theo bà, hoạt động sản xuất vaccine sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới nhưng EUA phụ thuộc vào chính phủ.

Hiện Ấn Độ đang phải “gồng mình” đối phó với số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Đến nay, chỉ khoảng 10% trong tổng số 1,35 tỷ dân nước này được tiêm một hoặc hai liều vaccine.

Trong khi đó, nhà chức trách Nhật Bản chuẩn bị cấp phép thêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh), theo đó số vaccine chưa được sử dụng ở nước này có thể lên tới hàng triệu liệu, trong bối cảnh tốc độ triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm do thiếu nhân lực.

Theo đài NHK, nguồn cung vaccine của Nhật Bản sẽ tăng mạnh khi nhà chức trách quyết định phê duyệt các vaccine của Moderna và AstraZeneca vào ngày 20/5 tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhật Bản đã nhập 28 triệu liều vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) tính đến cuối tháng 4 vừa qua, nhưng đến nay mới chỉ sử dụng 15% số vaccine này và 24 triệu liều còn lại vẫn nằm trong các tủ lạnh bảo quản vaccine. Lô vaccine đầu tiên của hãng Moderna đã được vận chuyển đến Nhật Bản. Ước tính sẽ có thêm 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca do các đối tác của hãng tại Nhật Bản sản xuất. Nhật Bản cũng dự kiến sẽ nhận lô vaccine của Pfizer hơn 35 triệu liều trong tháng 5 này và tháng 6 tới.

Dù đảm bảo mua được số lượng vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất tại châu Á, nhưng Nhật Bản chỉ mới tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine cho nhân viên y tế và người cao tuổi, tương đương 2,2% dân số cả nước, kể từ khi triển khai từ tháng 2 năm nay. Theo đó, Nhật Bản là nước có tốc độ triển khai tiêm vaccine chậm nhất trong số những nước giàu. Nguyên nhân được cho là do những khó khăn về logistic, chủ yếu là nhân lực.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến tháng 7 tới tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 36 triệu người dân. Một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng để đạt được mục tiêu này cần tiêm khoảng 800.000 liều/ngày, theo đó nhóm này hối thúc chính phủ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres hy vọng các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ sở hữu bản quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN