Thông báo nêu rõ Uniper thua lỗ lớn trong 9 tháng đầu năm nay do phải thanh toán giá khí đốt cao “ngất ngưởng” sau khi Nga ngừng vận hành một đường ống quan trọng. Trong khoản lỗ này có khoảng 10 tỷ euro (9,74 tỷ USD) được chi cho các hợp đồng khí đốt thay thế và khoảng 31 tỷ euro (hơn 30 tỷ USD) các khoản lỗ dự kiến trong tương lai. Trang tin Bloomberg News nhấn mạnh đây là một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức.
Giám đốc Tài chính của Uniper, bà Tiina Tuomela nhấn mạnh việc phải chi trả giá khí đốt cao hơn đáng kể trong thời gian qua đã gây tổn hại lớn đến kết quả kinh doanh của công ty. Bà cho rằng ưu tiên cao nhất hiện nay là chính phủ cần triển khai gói cứu trợ theo thỏa thuận quốc hữu hóa Uniper đạt được hồi tháng 9 năm nay.
Cùng ngày, giá cổ phiếu của Uniper trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt đã giảm 1,2%. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu của công ty này đã mất hơn 90% giá trị.
Động thái Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến châu Âu lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Đức là quốc gia chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề do nước này dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng của Nga. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang chật vật tìm kiếm các nguồn cung mới, đồng thời lập một quỹ trị giá 200 tỷ euro (gần 195 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và các doanh nghiệp.
Vào tháng 9 năm nay, Chính phủ Đức và Uniper cùng công ty mẹ ở Phần Lan - Fortum - đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa do lo ngại việc Uniper phá sản có thể tạo cú sốc đối với lĩnh vực năng lượng cũng như đối với nền kinh tế. Theo đó, Berlin sẽ nắm giữ gần 99% số cổ phần của Uniper; "bơm" 8 tỷ euro (7,8 tỷ USD) tiền mặt vào công ty này, đồng thời mua 500 triệu euro (hơn 487 triệu USD) cổ phiếu của các cổ đông lớn. Fortum cho biết hiện chi tiết về gói giải cứu này đã được hoàn thiện.