Anglo American Platinum (Amplats), công ty khai thác platin lớn nhất thế giới, ngày 15/1 thông báo sẽ đóng cửa vô thời hạn 4 hầm mỏ hoạt động kém hiệu quả, đồng thời bán lại một tổ hợp khai khoáng, trong kế hoạch tái tổ chức hoạt động của doanh nghiệp này tại Nam Phi.
Kế hoạch này của Amplats sẽ khiến 14.000 lao động mất việc làm, trong đó có 13.000 việc làm ở khu vực Rustenburg.
Công nhân mỏ Nam Phi đình công tại mỏ Lonmin ở Marikana ngày 10/9/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bản báo cáo về chiến lược của công ty, Amplats cho biết quyết định trên là lựa chọn bất khả kháng trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao và lợi nhuận sụt giảm mạnh, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và làn sóng đình công tại Nam Phi năm ngoái. Amplats cũng cho biết, quá trình tái cơ cấu này sẽ khiến sản lượng platin của công ty sụt giảm 19% so với sản lượng trung bình hiện nay.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Amplats, Chris Griffith cho biết công ty đặt mục tiêu sẽ tạo ra ít nhất 14.000 việc làm trong các lĩnh vực khác như phát triển nhà ở, hạ tầng cơ sở và kinh doanh nhỏ, hoặc đưa lao động tới nơi khác làm việc... để thay cho số việc làm bị mất do kế hoạch tái tổ chức hoạt động.
Quyết định của Amplats đã gây ra phản ứng mạnh trong giới chức chính quyền, nghiệp đoàn khai khoáng và thợ mỏ. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đã lên án quyết định của Amplats, coi đây là hành động phá hoại kế hoạch chiến lược của chính phủ nỗ lực tạo việc làm trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở Nam Phi tăng cao.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Pretoria, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khoáng sản Nam Phi Susan Shabangu nhấn mạnh "quyết định của Amplats sẽ gây tác động tiêu cực đối với kinh tế Nam Phi và đẩy những người mất việc làm vào một tương lai tăm tối". Bà cho biết Bộ Tài nguyên khoáng sản sẽ tiến hành điều tra xem quyết định này của Amplats có vị phạm luật bảo vệ việc làm hay không.
Trong khi đó, một uỷ ban đại diện cho giới thợ mỏ đã kêu gọi hơn 40.000 người lao động đình công tại tất cả các hầm mỏ của Amplats ở Rustenburg ngay từ đêm 15/1. Động thái này có nguy cơ châm ngòi cho một làn sóng đình công mới trong ngành khai khoáng của Nam Phi, vốn sử dụng tới hơn nửa triệu người lao động.
TTXVN/Tin tức