Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều coi thỏa thuận đầu tư có tên Hiệp định Đầu tư Toàn diện là cột mốc trong quan hệ song phương. Thỏa thuận này còn được kỳ vọng hỗ trợ kinh tế toàn cầu vốn chịu tác động mạnh từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo châu Âu được lên kế hoạch tổ chức vào cuối tháng 3 đã bị lùi lịch tới tuần thứ 3 của tháng 6. Một nguồn tin ngoại giao giấu tên từ châu Âu cho biết cả hai phía đều chủ trương đạt được tiến triển với thỏa thuận này.
Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ 29 và cũng là đàm phán mới đây nhất đã kết thúc vào cuối tháng 5, không có dấu hiệu đột phá liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề khác.
Ủy ban châu Âu vào ngày 29/5 thông báo: “Đàm phán đầu tư tập trung vào vấn đề tiếp cận thị trường (gồm đề nghị với thị trường đặc thù), kỷ luật liên quan đến tự do hóa đầu tư, sân chơi bình đẳng, quy định đối với doanh nghiệp nhà nước và tăng cường xử lý vấn đề về buộc chuyển giao công nghệ”.
Một nguồn tin giấu tên của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận xét các doanh nghiệp nhà nước đã hưởng quá nhiều ưu đãi do vậy việc đạt được cam kết ý nghĩa trong thỏa thuận đầu tư với châu Âu là khó khăn. Nguồn tin này đánh giá rằng Chính phủ Trung Quốc chưa thực hiện triệt để kế hoạch đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và công ty nước ngoài.
Ông Cui Hongjian tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng vấn đề này không chỉ đơn giản dừng ở quyết định kinh tế mà còn liên quan đến chính trị.
Đàm phán thỏa thuận đầu tư đã tạm ngưng trong năm 2019 bởi thời điểm đó Trung Quốc ưu tiên đàm phán với Mỹ kết thúc chiến tranh thương mại. Tiếp đó, dịch COVID-19 đã gây cản trở đi lại và các cuộc gặp trực tiếp, qua đó làm chậm quá trình thương lượng.
Thời hạn cuối năm 2020 đang càng đến gần nhưng các quan chức châu Âu vẫn chần chừ trong việc dàn xếp để đạt thỏa thuận ít thực tế hơn. Vai trò của doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp chính phủ trong kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố gây bất bình về dài hạn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến công bố kế hoạch hành động 3 năm để cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình cải tổ từ lâu vấp phải chỉ trích vẫn chậm chạp trong khi vai trò của các công ty quốc doanh lại gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt ở thời điểm này khi Trung Quốc dựa vào doanh nghiệp nhà nước để ổn định thị trường lao động sau dịch COVID-19.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), Zhang Ming vào cuối tháng 5 nói rằng Bắc Kinh nghiêm túc về thỏa thuận và kêu gọi châu Âu duy trì thực tế và linh hoạt trong đàm phán.