Nội dung chính của hội nghị lần này là thảo luận để có thể thông qua một chương trình nghị sự vạch ra lộ trình thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.
Trong ngày làm việc đầu tiên, COP 24 sẽ được tổ chức cùng với những hội nghị của các bên tham gia Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Paris.
Đây là lần thứ ba Ba Lan đăng cai tổ chức hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu. Ba Lan đã tổ chức 2 hội nghị tương tự trước đó tại thành phố Poznan năm 2008 và tại Warsaw năm 2013.
COP 24 diễn ra vào đúng thời điểm then chốt trong cuộc chiến của nhân loại nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu. Những quốc gia nghèo và nhỏ bé hơn, vốn sẽ phải hứng chịu hậu quả thảm khốc, đang nỗ lực kêu gọi các nước giàu thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cách đây 3 năm, tại thủ đô Paris của nước Pháp, các nước đã cam kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C và an toàn hơn là xuống còn 1,5 độ C. Các quốc gia giàu có cũng cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đương đầu với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, dù cho tới nay nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1 độ C, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, như các trận cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển tăng. Trong khi đó, số tiền huy động được trong quỹ 100 tỷ USD/năm đã cam kết mới chỉ dừng lại ở con số 10 tỷ.
Trong bối cảnh đó, các cuộc thảo luận tại COP 24 được xem là cơ hội để kêu gọi các nước có những hành động quyết đoán nhằm giải quyết các mối đe dọa cấp bách. Tại Katowice, các nước sẽ phải nhất trí về một bộ quy tắc có thể chấp nhận được đối với toàn bộ 183 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định Paris 2015.
Bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ Tài trợ khí hậu châu Âu và là "kiến trúc sư" chính của Hiệp định Paris, nhận định những gì diễn ra tại COP 24 có thể cho thấy liệu có xảy ra "hiệu ứng domino" theo sau sự rút lui của Mỹ hay không. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro đã cam kết sẽ "nối gót" Mỹ rút Brazil ra khỏi Hiệp định Paris do không đồng ý với những biện pháp bảo vệ rừng Amazon.
Trong tuần này, LHQ đã cảnh báo cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong "cuộc đua" chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Số liệu mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho thấy lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Báo cáo của UNEP cho rằng các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C. UNEP cũng chỉ ra Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang là nhóm không đảm bảo thực hiện được cam kết.