Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Baerbock cho biết, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai (UAE), Đức đề xuất 3 giải pháp gồm tăng gấp 3 lần mức tiêu thụ năng lượng tái tạo đến năm 2030, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và hoàn tất thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán tại COP28 cùng ngày đã công bố dự thảo đầu tiên của thỏa thuận LHQ về hành động vì khí hậu, trong đó kêu gọi các nước cắt giảm hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Dự thảo này do Anh và Singapore bảo trợ. Sự chia rẽ đã thể hiện rõ giữa các nhà đàm phán liên quan đến tương lai của nhiên liệu hóa thạch và các đề xuất về việc cắt giảm dần hoặc loại bỏ nhiên liệu này. Tuy nhiên, việc đưa đề xuất hạn chế sử dụng than, dầu và khí đốt vào một thỏa thuận cuối cùng về khí hậu đã nhận được sự ủng hộ lớn của các nhà đàm phán.
Theo giới quan sát, các thuật ngữ “loại bỏ” và “giảm dần” sẽ là chủ đề tranh luận trong thời gian tới.
Cùng ngày, phát biểu tại COP28, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi tất cả các quốc gia đoàn kết và hoàn thành các cam kết về khí hậu. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đồng thời đề xuất đăng cai COP33 vào năm 2028.
COP28 đang diễn ra ở UAE từ ngày 30/11 - 12/12 với chủ đề “Gắn kết - hành động - hiệu quả”. Sự kiện được coi là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu. Khoảng 70.000 người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện này. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây.