Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết tại COP21 năm 2015, các chính phủ và các công ty có thể bù đắp cho những lượng khí thải mà họ gây ra bằng cách chi tiền cho các dự án giảm khí thải ở các nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay những giao dịch như vậy vẫn chưa được thực hiện.
Theo các nhà đàm phán, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và khối Mỹ Latinh đã bác bỏ thỏa thuận được Mỹ và một số nước đề xuất sau 2 tuần đàm phán tại COP28. Đề xuất này tập trung xây dựng các quy định chính liên quan đến việc cấp phép các dự án bù đắp trong một hệ thống tập trung do LHQ vận hành.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội giao dịch khí thải quốc tế, Dirk Forrister, Mỹ cùng với đa số quốc gia thúc đẩy thông qua thỏa thuận cho rằng yêu cầu những quy định nghiêm ngặt hơn sẽ là quá phiền hà với các nước đang phát triển vốn có ít phương tiện để giám sát và quản lý các dự án. Trong khi đó, EU muốn những quy định áp với các dự án bù đắp khí thải carbon phải tương đương với mức tiêu chuẩn cao mà khối 27 thành viên này đặt ra trong hệ thống giao dịch riêng hiện có.
Hệ thống của EU không giao dịch các dự án bù đắp mà định giá khí thải carbon thông qua quá trình cấp phép cho các công ty phát thải. Theo các dữ liệu thị trường giao dịch tương lai LSEG, giá phát thải 1 tấn khí carbon trong hệ thống giao dịch của EU đã có lúc tăng lên trên 100 euro (108 USD) trong năm nay và hiện dao động quanh mức 70 euro.
Với việc các bên không đạt được thỏa thuận tại Dubai, nhóm chuyên viên sẽ phải bắt đầu đàm phán lại trong năm 2024, với hy vọng thỏa thuận liên quan sẽ được thông qua tại COP29 ở Azerbaijan vào năm 2025. Các hoạt động đàm phán vẫn được tiến hành theo 2 hướng song song, một là hình thành hệ thống trung tâm (đa phương) do LHQ vận hành và 2 là hình thành hệ thống giao dịch song phương giữa các nước.