Theo số liệu của Bộ y tế Costa Rica, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đến nay đã tăng lên 69 ca, kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào ngày 6/3 vừa qua.
Kể từ ngày 16/3, Chính phủ Costa Rica đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn lực đối phó với COVID-19, đồng thời ra lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 19/3, đóng cửa tất cả các quán bar, sàn nhảy và sòng bài. Các quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát và trung tâm thương mại chỉ được mở cửa 50% và áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Nicaragua Rosario Murillo cho biết đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân là một công dân Nicaragua, 40 tuổi, đã nhiễm SARS-CoV-2 khi thăm Panama thời gian gần đây.
Tại Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mario Diaz-Balart ở bang Florida đã trở thành nghị sĩ đầu tiên của Mỹ dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông cho biết đang tự cách ly và làm việc từ xa.
Theo Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 7.300 trường hợp mắc COVID-19 và hơn 110 ca tử vong.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, Chính phủ Mỹ dự định cấp 1.000 USD cho mỗi người dân nước này trong một kế hoạch cứu trợ quy mô lớn trị giá tới 1.300 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này được cho là không giúp ngăn tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cảnh báo Quốc hội rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng từ 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm, lên 20%. Cùng chung nhận định này, các chuyên gia kinh tế dự báo nếu chính phủ không triển khai gói chi tiêu lớn thì nguy cơ này là rất lớn.
Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành đạo luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19. Đạo luật đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua này bao gồm các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump làm thế nào để thông qua được kế hoạch chi tiêu khẩn cấp 1.300 tỷ USD để cấp tiền cho người dân Mỹ.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ba hãng ô tô General Motors, Fiat Chrysler và Ford tuyên bố sẽ ngừng sản xuất trên khắp khu vực Bắc Mỹ cho đến cuối tháng này.
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi các công ty trên tuyên bố sẽ vẫn mở cửa các nhà máy và chỉ điều chỉnh quy trình làm việc. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng thất bại sau khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng. Giám đốc General Motors Mary Barra nhấn mạnh công ty và Nghiệp đoàn ngành sản xuất ô tô (UAW) đã thống nhất đóng cửa các nhà máy để đảm bảo an toàn cho các nhân viên.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 18/3, lãnh đạo các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã nhất trí triển khai biện pháp lưu thông hàng hóa và dịch vụ tự do tại biên giới nhằm giữ vững nền kinh tế của khối trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống, Ngoại trường và Bộ trưởng Y tế của 4 nước thành viên MERCOSUR gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, trong đó các bên cũng thống nhất sẽ xem xét trong thời gian tới một số biện pháp kinh tế khác với các tổ chức đa phương nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ của khối.
Các nhà lãnh đạo MERCOSUR cũng đã trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình dịch bệnh tại mỗi nước, nhất trí tăng cường kênh liên lạc và hợp tác để xử lý các tình huống phát sinh, tạo điều kiện cho công dân của mỗi nước được về nước nếu có nguyện vọng, đặc biệt là những người đang sinh sống tại châu Âu và Mỹ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng lan rộng tại Mỹ Latinh, trong đó Brazil có 350 ca mắc bệnh, Argentina (79 ca), Uruguay (50 ca) và Parguay (11 ca), các nước thành viên MERCOSUR cũng đề xuất giảm thuế đối với các trang thiết bị y tế và dược phẩm trong khối, cũng như đầu tư thêm nguồn tài chính cho các vấn đề y tế.