Trong một tuyên bố, các nhà vận hành cơ chế COVAX này, gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh Gavi, cho biết họ cần thêm 2 tỷ USD trước ngày 2/6 để nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022.
Theo tuyên bố này, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới chung tay hỗ trợ, thì các mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm 2022 sẽ vẫn có thể đạt được.
COVAX đã cung cấp 70 triệu liều vaccine cho 126 nước, song đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 190 triệu liều vào cuối tháng 6/2021 do số ca mắc COVID-19 gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của COVAX trong quý II/2021.
Viện Huyết thanh của Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới về số lượng, sản xuất 1,5 tỷ liều mỗi năm ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Mặc dù COVAX sẽ có số lượng liều vaccine lớn hơn vào cuối năm nay thông qua các hợp đồng đã ký kết với một số nhà sản xuất, song nếu các tổ chức điều hành chương trình không nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine khẩn cấp hiện nay, hậu quả có thể rất lớn.
Hiện các nước Pháp, Đức, Thụy Điển, Italy, Tây Ban Nha, New Zealand và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đang cam kết tài trợ vaccine cho chương trình này.
Mỹ đã cam kết cung cấp khoảng 80 triệu liều vaccine, khoản tài trợ lớn nhất từ một quốc gia, nhưng cho đến nay vẫn chưa cho biết quốc gia nào sẽ được nhận những liều vaccine này.