Cụ thể, trong bản báo cáo hoạt động tuần công bố ngày 28/7, WHO cho biết tại cuộc họp nhóm xử lý khủng hoảng của Liên hợp quốc diễn ra gần đây, tổ chức này đã được báo cáo về việc COVAX sẽ tiếp nhận thêm khoảng 250 triệu liều vaccine quyên góp trong 6 đến 8 tuần tới. Theo WHO, đây sẽ là nguồn bổ sung lớn cho cơ chế chia sẻ vaccine đến những nước nghèo hơn. Đến nay, COVAX đã bàn giao 152 triệu liều vaccine cho 137 quốc gia và vùng lãnh thổ.
COVAX do WHO và Liên minh vaccine Gavi đồng điều phối và bàn giao vaccine cho 92 quốc gia nghèo nhất thông qua hệ thống hậu cần chuyên môn của Quỹ Nhi đồng quốc tế (UNICEF). Ban đầu, Viện Serum của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, đóng vai trò xương sống trong chuỗi cung ứng của COVAX. Tuy nhiên, sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 để tập trung nỗ lực kiềm chế dịch bệnh trong nước, COVAX phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà tài trợ quốc tế.
Cũng trong báo cáo này, WHO tiếp tục bày tỏ thất vọng về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19 giữa các quốc gia giàu và nghèo. Trong khi một số quốc gia cân nhắc tiêm cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường thì có những nước đến nay vẫn chưa thể tiêm được cho nhóm người cao tuổi có nguy cơ cao và những nhân viên y tế tuyến đầu.
Giám đốc điều hành của Gavi Seth Berkley cho rằng nhu cầu vaccine phòng COVID-19 hiện đang vượt xa năng lực cung cấp khiến hàng triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa thể tiếp cận vaccine. Trong khi đó, việc tăng độ bao phủ vaccine trên toàn cầu là một trong những tấm khiên tốt nhất giúp thế giới tránh được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
* Cũng trong ngày 28/7, Anh tuyên bố sẽ bắt đầu đóng góp hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khác, trong đó có các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung. Trước đó, Anh cam kết đến tháng 6/2022 sẽ chia sẻ 100 triệu liều vaccine cho thế giới thông qua cơ chế COVAX.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong đợt đầu tiên, Anh sẽ tặng 9 triệu liều vaccine cho Kenya, Jamaica và một số quốc gia châu Á như Lào, Campuchia, Indonesia và Malaysia. Dự kiến, lô vaccine này sẽ được gửi đi ngày 30/7 tới.
Ngoại trưởng Raab cũng lo ngại rằng với tốc độ hiện nay thì phải đến năm 2024 thì người dân thế giới mới được tiêm phòng COVID-19. Ông kêu gọi các quốc gia khác cùng với Anh tặng vaccine cho những nước nghèo để thực hiện được mục tiêu trên sớm hơn, là vào giữa năm 2022.
Ngoại trưởng Anh hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ tham gia cơ chế chia sẻ vaccine để toàn thế giới được tiêm phòng vào giữa năm sau, cho rằng điều này sẽ tạo nên khác biệt lớn với những quốc gia chịu tác động của dịch bệnh.