Dẫn lời một số bác sĩ, hãng tin Reuters cho biết chính sự kết hợp giữa lệnh phong tỏa, biện pháp đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên đối phó với dịch COVID-19 đã khiến nguy cơ lây lan dịch cúm mùa thuyên giảm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo dữ liệu ghi nhận số ca cúm mùa ít vẫn nên được xem xét một cách cẩn trọng vì thời gian đến đỉnh dịch vẫn còn vài tuần hay thậm chí vài tháng nữa.
Flu News Europe – một nền tảng theo dõi chung giữa Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thu thập các mẫu xét nghiệm tại 54 khu vực trong châu lục và phát hiện chỉ có một người được chẩn đoán mắc cúm trong tổng số 4.433 mẫu xét nghiệm từ ngày 28/9 đến ngày 22/11.
Như vậy có nghĩa là tỷ lệ mắc cúm chỉ ở mức 0,02%, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 10% mà WHO coi là “dịch bệnh” khi nói đến bệnh cúm. Cùng thời điểm này năm ngoái, tỷ lệ đạt mức 15%.
Tỷ lệ thấp trên phần nào cũng đem đến sự an tâm cho giới chức y tế và các chính phủ tại châu Âu – những người trước đó lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “đại dịch kép” trong mùa đông giá lạnh.
“Đến thời điểm này ở các năm trước, chúng ta chứng kiến hàng trăm ca mắc cúm mùa tại châu Âu. Tuy nhiên, những biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã cho thấy tính hiệu quả trong việc chống lại các loại virus gây ra bệnh về hô hấp và các virus cúm mùa khác”, Bruno Lina – một chuyên gia cấp cao về virus làm việc tại tổ chức Hospices Civils de Lyon – cho hay.
Ông cùng hai chuyên gia khác cũng chỉ ra một nguyên nhân khác có thể làm giảm sự lây lan của virus cúm mùa trong mùa đông này là do kháng bội nhiễm - một cơ chế mà cơ thể khi tiếp xúc với một mầm bệnh sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch đối với các mầm bệnh khác.
Virus cúm mùa gây ra từ 4 đến 50 triệu ca mắc mỗi năm, trong đó tại châu Âu có tới 70.000 trường hợp tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến bệnh cúm, đặc biệt là ở người lớn tuổi và những nhóm có nguy cơ cao.
Với tỷ lệ mắc cúm thấp trong đầu mùa đông năm nay, các chính phủ lo sợ người dân sẽ lơ là chủ quan và không đi tiêm phòng vaccine ngừa cúm như khuyến cáo.
“Tỷ lệ mắc bệnh thấp có thể khiến những người chưa tiêm vaccine chần chừ”, Edward Hill – một nhà nghiên cứu tại Đại học Warwick – bày tỏ.
Tỷ lệ ca mắc cúm thấp cũng đặt ra một thách thức cho các nhà sản xuất vaccine khi họ chuẩn bị cho mùa đông 2021/22.
Thông thường, vào cuối tháng 2 mỗi năm, WHO sẽ liệt kê các chủng virus để các nhà sản xuất dựa vào đó chế tạo và phân phối vaccine cho người dân dùng dịp cuối năm.
“Tuy nhiên, với tỷ lệ mắc cúm thấp như hiện nay, WHO có thể sẽ không thu thập đủ hàng nghìn mẫu phẩm bệnh cúm để từ đó quyết định lựa chọn chủng virus nào cho các nhà sản xuất. Họ có thể hoãn việc lựa chọn cho tới tháng 3 và điều này càng gây ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất vaccine”, Matthew Downham, một chuyên gia thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu, kết luận. Hiện WHO vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về thông tin trên.