Đây là khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra ngày 25/1.
Tại hội thảo về các thành phố không khí thải do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ Chương trình nghị sự Davos, các chuyên gia đã chỉ ra rằng các khung giờ học và giờ làm cố định đang dần nhường chỗ cho hệ thống làm việc linh hoạt hơn trong đại dịch, giúp giảm bớt áp lực lên các hệ thống giao thông vận tải và mạng lưới cung ứng điện. Ông Carlo Ratti - Giám đốc Phòng thí nghiệm SENSEable City thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho rằng nếu con người có thể tái xây dựng kế hoạch cho các thành phố nhờ khả năng linh hoạt trong bối cảnh đại dịch, điều này có thể tạo ra ảnh hưởng lớn.
Các thành phố và khu đô thị là nơi cư trú của hơn 50% dân số thế giới và tạo ra 75% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, trở thành nơi tập trung các nỗ lực hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, các mô hình làm việc truyền thống khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng vật lý và sử dụng năng lượng tăng cao.
Thị trưởng thành phố Stockholm (Thụy Điển) Anna Konig Jerlmyr cho rằng con người có thể sử dụng các nguồn năng lượng có sẵn một cách bền vững hơn. Bà Jerlmyr nhận định việc cho phép người dân làm việc và học tập trong nhiều khung giờ khác nhau có thể làm giảm áp lực, đồng thời hỗ trợ những học sinh có khả năng tiếp thu tốt hơn khi học bài muộn. Giới chức Stockholm đã khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp sử dụng điện linh hoạt hơn và cho biết sẽ tặng thưởng nếu họ không sử dụng thiết bị điện trong khung giờ cao điểm.
Ông Lei Zhang, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty công nghệ năng lượng Envision, cho biết cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng được cho là có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các thành phố không khí thải. Ông cho rằng các hệ thống thông minh sẽ giúp con người thích nghi và ứng phó với sự thay đổi nhu cầu, nhằm đảm bảo các nhà máy điện không bị quá tải. Bên cạnh đó, dòng ô tô điện, vốn đang ngày càng phổ biến, cũng có thể giúp đối phó với các thách thức về môi trường, bằng cách vận hành như các thiết bị lưu trữ điện di động khi đang đứng yên. Trong khi đó, ông Francesco Starace, CEO của công ty năng lượng Enel tại Italy khẳng định đại dịch COVID-19 đã cho thấy cách thức mà các thành phố có thể tiếp tục thay đổi và thích nghi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, cho rằng con người đều đang dần học được cách sống hoàn toàn khác tại các thành phố kiểu mới này.