Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 12/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 20.487.318 ca, trong đó có 743.952 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 13.406.178 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.556 và 6.336.501 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (61.252 ca), Brazil (52.160 ca) và Mỹ (50.026 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.287 ca), tiếp theo là Brazil (1.169 ca) và Ấn Độ (835 ca).
Mỹ đạt thoả thuận trên 1,5 tỉ USD mua 100 triệu liều vaccine COVID-19
Ngày 11/8, chính phủ Mỹ đã đạt được thoả thuận trị giá 1,525 tỉ USD với công ty Moderna về sản xuất và cung cấp 100 triệu liều vaccine COVID-19 do công ty này phát triển ngay khi được phê duyệt lưu hành. Thông tin này được Tổng thống Trump đưa ra trong cuộc họp báo hàng ngày về tình hình dịch bệnh.
Theo hợp đồng trên, 100 triệu liều vaccine sẽ do chính phủ Mỹ sở hữu và phân phối miễn phí cho người dân Mỹ. Chính phủ cũng đang xúc tiến mua thêm 400 triệu liều vaccine của Moderna. Vaccine này có tên mRNA-1273, được phát triển bởi Moderna, có sự hợp tác với Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ và Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Y sinh (BARDA).
Tính đến 6h sáng 12/8 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận thêm 50.026 ca COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 5.301.464 ca; trong đó có 167.479 ca tử vong. Theo một phân tích của Học viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em Mỹ đã tăng tới 90% trong 4 tuần qua. Tiến sĩ Sean O'Leary, Phó chủ tịch Ủy ban các bệnh truyền nhiễm của Học viện Nhi khoa Mỹ, cho rằng nhiều yếu tố đã dẫn đến sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em, bao gồm tăng xét nghiệm, gia tăng vận động ở trẻ em và sự gia tăng nhiễm trùng trong dân số nói chung.
Mỹ Latinh chưa giảm nhiệt
Tình hình dịch bệnh tại các nước Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Điểm nóng Brazil tới nay đã ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 vượt ngưỡng 3 triệu và trên 100.000 ca tử vong. Cụ thể tới 6h sáng 12/8 (theo giờ VN), nước này ghi nhận 3.109.630 ca COVID-19, tăng thêm 52.160 ca trong 24 giờ qua, và 103.026 ca tử vong, tăng thêm 1.169 trường hợp.
Colombia có số ca mắc mới cao thứ hai ở Mỹ Latinh, với 12.830 ca bệnh và 321 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tại nước này có 410.453 ca bệnh, bao gồm 13.475 ca tử vong.
Châu Âu: Nga đăng ký vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới
Tại châu Âu, Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/8 thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Điều này mở đường cho việc tiêm chủng hàng loạt cho người dân Nga nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ngày 11/8, Bộ Y tế Nga đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho vaccine phòng ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Vaccine mới được đặt tên là "Sputnik-V", lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957. Bộ Y tế Nga nhấn mạnh tính hiệu quả của vaccine mới cho phép phòng ngừa COVID-19 trong hai năm. Hiện tại, đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19 mà Nga mới phát triển.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên hệ với giới chức và các nhà khoa học Nga để tiến tới "xem xét chi tiết về các cuộc thử nghiệm" loại vaccine trên. WHO ra thông báo qua email gửi kênh CNN khẳng định "hoan nghênh tất cả những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19". "Việc tăng tốc nghiên cứu vaccine cần được thực hiện theo các quy trình đã thiết lập qua từng bước phát triển, để đảm bảo rằng bất kỳ loại vaccine nào cuối cùng được đưa vào sản xuất đều an toàn và hiệu quả. Bất kỳ vaccine phòng dịch an toàn và hiệu quả nào cũng sẽ là tài sản công cộng toàn cầu và WHO kêu gọi một cách tiếp cận công bằng, bình đẳng và nhanh chóng đối với bất kỳ loại vaccine nào như vậy trên toàn thế giới" - thông báo viết.
Để phòng dịch, chính phủ một số nước châu Âu đã ban hành quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại một số khu vực công cộng. Cụ thể, từ ngày 10/8, người dân Ireland phải đeo khẩu trang khi đến những cơ sở bán lẻ như cửa hàng và trung tâm thương mại.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex ngày 11/8 đã tỏ ra lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nước này, và cho rằng "đang có chiều hướng xấu". Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng ngoài trời. Bên cạnh đó, lệnh cấm đối với các sự kiện tập trung hơn 5.000 người được kéo dài đến ngày 30/10, thay vì 31/8 như kế hoạch ban đầu. Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron đã họp trực tuyến với các bộ trưởng trong Nội các, thảo luận là về những biện pháp thắt chặt mới tại 20 thành phố lớn nhất của Pháp nhằm giảm nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận gần 1.400 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 15 ca tử vong. Tính từ ngày 1/3, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 30.354 người tại Pháp.
Vương quốc Anh thông báo toàn bộ trường học tại nước này sẽ nối lại hoạt động đầy đủ bất chấp số ca mắc dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gia tăng. Theo đó, ngày 11/8, học sinh tại Scoland đã bắt đầu đi học trở lại lần đầu tiên sau 5 tháng. Xứ England cũng khẳng định sẽ cho học sinh trở lại trường vào tháng 9.
Kế hoạch mở cửa trở lại trường học diễn ra khi Anh, quốc gia đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, với hơn 46.000 ca, lo ngại dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới, con số cao nhất kể từ tháng 6 vừa qua, thời điểm lệnh phong tỏa vừa được nới lỏng. Anh đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại một số vùng ở miền Trung và miền Bắc England, cũng như thành phố Aberdeen ở Scotland khi số ca nhiễm bùng phát trở lại.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã ghi nhận thêm 44 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 10/8, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và 31 ca nhập cảnh. Tính đến hết ngày 11/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 84.712 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. Tổng cộng có 79.284 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết giới chức nước này vừa phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Theo quan chức trên, virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trên bao bì đóng gói hải sản đông lạnh của 3 công ty khi số hàng này được chuyển đến thành phố Yên Đài, phía Đông tỉnh Sơn Đông. Thông tin cho biết lô hàng trên được gửi đi từ thành phố cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh, nhưng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (KCDC) cho biết nước này đã có thêm 34 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tính đến nay là 14.660 người, trong đó 305 người tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện là 13.729 người.
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 61.252 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 2.328.405, trong đó có 46.188 ca tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhà chức trách Thái Lan thông báo các trường học có thể mở lại các lớp học như bình thường, song các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Dù có thể mở cửa hoàn toàn như bình thường từ ngày 13/8, nhưng các trường phải đảm bảo thực hiện 5 biện pháp y tế công cộng, bao gồm kiểm tra sức khỏe, đăng nhập ứng dụng phòng chống COVID-19 có tên gọi ThaiChana, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh tay, và thực hiện giãn cách xã hội. Các hoạt động tụ tập đông học sinh sẽ chỉ được tổ chức sau khi thông báo cho văn phòng y tế địa phương.
Kể từ tháng 1 vừa qua, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.351 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Tại Campuchia, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể quay lại trường học bắt đầu từ tháng 9. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch từng bước mở cửa lại trường học theo ba giai đoạn thời dịch COVID-19.
Trong ngày 11/8, Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận thêm 15 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 266 ca. Hiện đã có 220 ca mắc COVID-19 tại Campuchia khỏi bệnh và nước này không ghi nhận ca nào tử vong. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, Campuchia cũng đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay từ Philippines.
Trong khi đó, Singapore thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 61 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong hơn 4 tháng qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này hiện lần lượt là 55.353 ca và 27 ca.
Cùng ngày, Bhutan đã lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi một người dân nước này mắc COVID-19 và đã tiếp xúc gần với mọi người ở thủ đô Thimphu. Như vậy, tính đến nay, Bhutan ghi nhận tổng cộng có 113 ca mắc COVID-19.
Châu Đại dương: Dịch vẫn diễn biến phức tạp
Tại Australia, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhà chức trách Lãnh thổ phía Bắc Australia cho biết vẫn chưa thể mở cửa đón du khách trong 18 tháng tới nhằm bảo vệ người dân bản địa khỏi dịch COVID-19. Trong khi đó, bang Victoria - bang đông dân thứ hai và hiện đang là "tâm dịch" của Australia, thông báo ghi nhận thêm 331 ca mắc COVID-19, tăng 9 ca so với một ngày trước đó. Mức tăng nhẹ này giúp nhóm lên hy vọng tình hình dịch bệnh tại đây đang ổn định sau khi xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai, buộc nhà chức trách tái phong tỏa thành phố Melbourne.
Tuy nhiên, bang New South Wales lại ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ ngày 17/4, với 22 ca. Khoảng 1/3 số ca bệnh mới có liên quan tới ổ dịch tại một trường học ở Tây Bắc thành phố Sydney. Hiện giới chức trách vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh tại ổ dịch này.
Trên phạm vi cả nước, Australia ghi nhận gần 22.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 332 ca tử vong. Quốc gia này hiện cũng đã đóng cửa các đường biên giới, và chưa xác định được thời gian mở lại.
Tại New Zealand, giới chức y tế thông báo đã ghi nhận 4 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng sau 102 ngày miễn nhiễm. Trước tình hình này, Thủ tướng Ardern đã nâng mức phản ứng dịch bệnh tại Auckland - thành phố lớn nhất nước này lên mức độ 3 từ giữa trưa 12/8. Điều này có nghĩa tất cả người dân sinh sống tại Auckland sẽ phải ở nhà, trong khi các quán bar và nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa.