Trong ngày 29/8, ASEAN ghi nhận 7.100 ca mắc tại 7 quốc gia và 188 ca tử vong tại ba quốc gia.
Nước có số ca mắc nhiều nhất trong ngày 29/8 vẫn là Philippines với 3.637 ca, nâng tổng số ca mắc của nước này lên 213.131 ca. Tổng số ca tử vong của Philippines là 3.419 sau khi tăng 94 ca trong ngày 29/8.
Vùng đô thị Manila đứng đầu 5 khu vực và tỉnh có số ca mắc hàng ngày cao nhất nước với 2.030 ca, tiếp đó là tỉnh Laguna, Rizal, Cavte và Batangas.
Chính phủ Philippines đã điều chỉnh và làm mới chiến dịch chống COVID-19 nhằm ngăn chặn số ca mắc gia tăng. Khẩu hiệu mới của Bộ Y tế nước này là “Khi nghi ngờ, hãy cách ly”. Thông điệp mà chính phủ muốn in sâu vào tâm trí người dân là nếu nghĩ mình bị phơi nhiễm, tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, đang chờ kết quả xét nghiệm, hoặc có triệu chứng, hãy tự cách ly với người khác. Vai trò của lãnh đạo cộng đồng trong chống dịch cũng được tăng cường.
Chiến lược mới nhằm hạn chế lây nhiễm tại các khu vực đã được xác định có chùm ca bệnh, đặc biệt là cộng đồng có nguồn lực hạn chế và số ca mắc cao, nhiều chùm ca bệnh.
Bộ Y tế Philippines đã xét nghiệm trên 2,35 triệu người, trong đó 10,6% có kết quả dương tính.
Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 29/8 là Indonesia với 3.308 ca – lại là con số kỷ lục trong một ngày. Trong ba ngày qua, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Indonesia liên tục lập kỷ lục mới (3.003 ca ngày 28/8; 2.719 ca ngày 27/8). Tổng số ca hiện nay ở Indonesia là 169.195 ca.
Jakarta, Đông Java, Tây Java và Đông Kalimantan là các khu vực có số ca mắc tăng trong ngày 29/8. Các khu vực này chiếm gần 2.000 ca mới trên cả nước. Jakarta ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 861 ca.
Indonesia ghi nhận 92 ca tử vong trong ngày 29/8, nâng tổng số ca tử vong lên 7.261 ca.
Với số ca mắc tăng mạnh, tới 90 ca, Myanmar đã trở thành nước đứng thứ ba Đông Nam Á về số ca mắc trong ngày 29/8. Đây cũng là kỷ lục về số ca mắc hàng ngày ở Myanmar từ đầu tới giờ. Tổng số ca COVID-19 ở nước này là 733 ca, trong đó 6 ca tử vong.
Số ca tăng vọt ở Myanmar sau nhiều tuần không ghi nhận ca lây nhiễm trong nước. Tuần trước, có ngày Myanmar ghi nhận 70 ca mới.
Phần lớn các ca nhiễm gần dây đều ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine. Bang này bị áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm.
Dịch bệnh ở Myanmar ít nghiêm trọng so với một số nước khác trong khu vực kể từ khi phát hiện ca đầu tiên vào tháng 3.
Tại Malaysia, ngày 28/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) đang được áp dụng tại nước này để phòng chống dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến hết năm nay. Thủ tướng Muhyiddin cho hay quyết định nói trên được đưa ra căn cứ trên những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh thực tế.
Theo Thủ tướng Muhyiddin, về cơ bản dịch bệnh tại Malaysia đang nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số địa phương, số ca nhiễm mới đang tăng lên, buộc Chính phủ phải áp dụng những biện pháp bổ sung để đối phó.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Có những dấu hiệu cho thấy loại virus này đang biến đổi nhanh chóng, gây thêm khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Chinh vì vậy, Malaysia cần có thêm thời gian để có thể chấm dứt dịch bệnh.
Thủ tướng Muhyiddin cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ Malaysia sẽ áp dụng các quy định khắt khe hơn về phòng chống dịch tại một số địa phương. Để tăng tính răn đe đối với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch, người đứng đầu Chính phủ Malaysia cho hay ông đã nhất trí với đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc tăng mức tiền phạt ít nhất từ 2- 3 lần so với mức 1.000 ringgit (240 USD) hiện nay.
Trong ngày 29/8, Malaysia có thêm 11 ca mắc, nâng tổng số ca lên 9.317, trong đó 125 người chết.
Trong khi đó, ngày 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các quốc gia đối tác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu dịch COVID-19.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ 8 giữa các Bộ Trưởng kinh tế ASEAN và các đối tác ngoại khối ở khu vực Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ, tại cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực duy trì chuỗi nguồn cung và ổn định thị trường, cũng như tăng cường sức phục hồi của kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch, kêu gọi các sáng kiến giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế bền vững.
Cuộc họp này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, các bên cũng thảo luận việc tăng cường ứng dụng và tận dụng công nghệ số trong khu vực để thúc đẩy kinh tế số, nhấn mạnh rằng điều này đóng vai trò rất quan trọng trong đại dịch COVID-19. Với quyết tâm hành động nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi nguồn cung khu vực, từ đó có thể thích ứng tốt hơn trước các cú sốc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.