COVID-19 hết 30/8 tại ASEAN: Philippines trên 3.500 người chết, Thái Lan thử vaccine từ cây thuốc lá

Tính tới hết ngày 30/8, số ca mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 461.220 ca, trong đó 11.115 người đã tử vong. Số ca tử vong tại Philippines đã lên tới trên 3.500 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hỗ trợ một phụ nữ đến xét nghiệm COVID-19 ở Medan, Philippines ngày 27/8/2020. Ảnh: EPA-EFE

Theo trang thống kê worldmeters.info, trong ngày 30/8, các  nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 7.229 ca mắc COVID-19 tại 5 quốc gia và 184 ca tử vong tại hai quốc gia, gồm Philippines (102 ca) và Indonesia (82 ca).

Tình hình dịch ở Philippines tiếp tục diễn biến căng thẳng, không chỉ ca mắc bệnh vẫn ở mức cao trên 4.000 ca/ngày mà con số tử vong theo ngày cũng đang cao nhất khu vực. Trong khi đó, Indonesia vẫn đứng thứ hai với trên 170.000 ca nhiễm bệnh và 7.343 người đã tử vong.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 30/8/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Người dân được kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines, ngày 19/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines công bố lệnh cách ly mới vào ngày 31/8

Theo tờ Straits Times,Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên kế hoạch ngày 31/8 sẽ công bố quy định phân loại cách ly mới tại Vùng Thủ đô Manila và các khu vực khác. Ông Duterte vừa trở lại Manila ngày 30/8 sau hơn 3 tuần về quê ở thành phố Davao - đây là quãng thời gian lâu nhất ông ở quê trong thời kỳ đại dịch này. 

Vùng Thủ đô Manila và các tỉnh Bulacan, Laguna, Cavite Rizal là những nơi đóng góp 2/3 sản lượng kinh tế của Philippines, nhưng đã bị phong toả một phần từ ngày 4-18/8. Các tỉnh thành này tiếp tục đặt dưới quy định cách ly cộng đồng vào ngày 19/8. Những biện pháp nghiêm ngặt hơn như lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế các doanh nghiệp được nối lại hoạt động cũng được áp dụng từ ngày 19/8. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 18/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tới hết ngày 30/8, Philippines ghi nhận tổng cộng 217.396 ca COVID-19, tăng 4.284 ca trong vòng 24 giờ. Đại dịch cũng đã kéo nước này vào suy thoái, nền kinh tế suy giảm 16,5% trong quý 2/2020.

Singapore triển khai xét nghiệm cho lái xe taxi và người giao hàng

Singapore sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả các lái xe taxi, lái xe riêng cho thuê và người giao hàng trong vài tuần tới. Đây được coi là một trong những nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Chi phi xét nghiệm được chính phủ chi trả hoàn toàn. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng giãn cách để vào trung tâm thương mại tại Singapore ngày 29/8. Ảnh: Straits Times 

Thông báo ngày 30/8 của Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết các nhóm đối tượng này được lựa chọn là bởi họ thường xuyên tiếp xúc với các thành viên trong cộng đồng, dù cho tới nay họ không thuộc diện nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Cơ quan này cũng cho biết việc xét nghiệm sẽ được mở rộng ra các nhóm đối tượng là những người bán hàng phục vụ cho các khu lao động nước ngoài, những chủ cửa hàng tại các khu chợ dân sinh và các cửa hàng cà phê. 

MOH thường xuyên đánh giá lại các chiến lược xét nghiệm của mình để tăng cường khả năng giám sát các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong ngày 29/7, Singapore đã ghi nhận thêm 51 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 56.717 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn duy trì ở 27 ca.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Depok, Tây Java, Indonesia, ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan thử thành công vaccine COVID-19 từ cây thuốc lá

Vaccine phòng bệnh COVID-19 do công ty Bai Ya của Thái Lan đang phát triển đã được thử nghiệm thành công trên khỉ. Người đứng đầu Trung tâm khoa học y tế về bệnh truyền nhiễm mới thuộc Hội Chữ thập đỏ Thái Lan, Tiến sĩ Thiravat Hemachudha cho biết giới chuyên môn sẽ tiến hành quy trình đánh giá và tinh chế vaccine trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.

Vaccine trên được bào chế từ protein của một loại lá thuốc lá đặc biệt, dễ sản xuất với chi phí thấp, ngay cả ở quy mô công nghiệp. Ông Thiravat lý giải vaccine được sản xuất bằng cách tích hợp ADN của virus vào lá cây thuốc lá. Cây phản ứng với ADN và tạo ra protein khoảng một tuần sau đó. Các protein này được chiết xuất để tạo ra vaccine. Đáng chú ý, vaccine này không chỉ tạo ra kháng thể, mà còn có thể kích thích các tế bào T tự sản sinh ra kháng thể khi gặp cùng loại virus.

Tiến sĩ Thiravat cho biết công ty Bai Ya đang đàm phán với Viện vaccine quốc gia (NVI) về việc hợp tác trong quá trình tinh chế vaccine trên. Nếu NVI chấp thuận hợp tác, nhiều khả năng sau khoảng 3 tháng sẽ có vaccine để thử nghiệm trên người. Kế đó, việc sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp sẽ được triển khai nhanh chóng. Với nguồn nguyên liệu lá cây thuốc lá dồi dào, có thể sản xuất hơn 10 triệu liều vaccine mỗi tháng.

Chú thích ảnh
Bãi biển Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Ngày 30/8, Thái Lan đang tiến gần tới mốc 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 5. Thái Lan là quốc gia ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020. Tính đến ngày 30/8, tại nước này có tổng cộng 3.411 ca nhiễm bệnh, trong đó có 58 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Bãi biển Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Indonesia thất thu thuế do dịch COVID-19

Chính phủ Indonesia đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thuế để tăng ngân sách cho nhà nước do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của nền kinh tế quốc gia. Dự kiến, tỷ lệ thuế năm 2020 của Indonesia chỉ có thể đạt 8,57% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.

Người đứng đầu cơ quan Chính sách tài khóa (BKF) quốc gia Indonesia, ông Febrio Kacaribu cho biết căn cứ vào tình hình hiện tại, các cơ quan chức năng Indonesia đã tính toán và đưa ra dự báo nguồn thu từ thuế của Indonesia trong năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 1.669,1 nghìn tỷ rupiah, có nghĩa là chưa đến 9% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra ban đầu là hơn 10,57 – 11,18% GDP.\

Chính phủ Indonesia xác định trong vòng 2 năm tới, Indonesia sẽ khó có thể đạt được doanh thu từ nguồn thu thuế ở mức 10,57% - 11,18%. Phải mất ít nhất 5 năm nữa, có nghĩa là phải đến năm 2024, Indonesia mới có thể đạt tỷ lệ thuế ở mức hai con số như những năm trước đây, khi chưa có dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Người đi lễ tập thể dục tăng cường sức khoẻ ở Quiapo, Manila vào ngày 28/8/2020. Ảnh: Straits Times

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ngày đầu tiên Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, kể từ ngày 25/7
Ngày đầu tiên Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, kể từ ngày 25/7

Tính đến 18 giờ ngày 30/8, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19, đây cũng là ngày đầu tiên không có ca bệnh trong đợt dịch mới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN