COVID-19 hết ngày 7/8 tại ASEAN: Toàn khối thêm 6.174 ca bệnh; kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng nề

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 7/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 312.758, trong đó 7.990 người tử vong. 

Trong ngày 7/8, ASEAN ghi nhận 6.174 ca mắc tại 8 quốc gia và 96 ca tử vong tại hai quốc gia. Brunei có thêm một ca mắc mới sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc.

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 3.379 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 7/8 là Indonesia với 2.473 ca. Tiếp đó là Singapore với 242 ca.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế các nước. Indonesia có nguy cơ suy thoái kinh tế, còn nợ công của Lào dự kiến tăng cao.

Philippines ghi nhận 3.379 ca bệnh mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Manila, Philippines ngày 21/7. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 3.379 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 122.754, trong đó có 2.1 ca tử vong.     

Số ca mắc tại Philippines đã tăng gần 7 lần trong khi số ca tử vong tăng hơn 2 lần kể từ khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ vào tháng 6 năm nay. Trước tình hình này, đầu tuần qua, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các khu vực lân cận. 

Hiện Philippines là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Lào dự kiến nợ công tăng cao     

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài tại một nhà hàng ở Luang Prabang, Lào ngày 7/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Vientiane Times số ra ngày 7/8 đưa tin nợ công của Lào trong năm 2020 có thể lên mức 65%-% GDP do nguồn thu ngân sách giảm mạnh cùng với việc vay nợ gia tăng.

Báo trên dẫn Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tác động của COVID-19 sẽ dẫn đến sự gia tăng nợ công tại các nước đang phát triển từ khoảng 0,8%-1,1%, theo đó nợ công của Lào dự kiến cũng sẽ ở mức cao.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy cho biết thu ngân sách của Lào trong năm 2020 sẽ giảm xuống còn khoảng 700 triệu USD.

Bộ Công Thương Lào đánh giá kim ngạch xuất khẩu của nước này trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 300 triệu USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành quan trọng, đặc biệt là công nghiệp chế biến và xây dựng, đều đang có xu hướng giảm. Sản xuất xi măng, vàng và đồng cũng giảm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu, như quần áo, sắn, chuối, cà phê, bột gỗ, giấy và thiết bị điện tử dự kiến sẽ bị tác động nặng nề do các thị trường xuất khẩu truyền thống của Lào cũng đang bị ảnh hưởng của đại dịch.

Trong khi đó, đầu tư dự kiến cũng sẽ giảm. Giá trị các dự án đầu tư được phê chuẩn trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 151 triệu USD, giảm mạnh so với mức cùng kỳ năm ngoái. Ngành du lịch dự kiến sẽ tiếp tục chịu thêm tác động trong 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh số lượng du khách tới Lào trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 887.447 người, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chiều 7/8, Văn phòng Thủ tướng Lào ra thông báo khẩn về việc tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào thời điểm nước này đang lần thứ 5 thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt hành khách bằng máy quét thân nhiệt tại sân bay quốc tế Wattay ở Vientiane, Lào ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo nêu rõ trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại do tình hình lây lan của dịch bệnh tại khu vực và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, Chính phủ Lào quyết định tăng cường siết chặt việc thực thi các biện pháp phòng ngừa để tránh các rủi ro lây nhiễm. Cụ thể, các cơ quan liên quan được yêu cầu tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt người xuất-nhập cảnh. 

Đặc biệt, thông báo đã giao cho Bộ Ngoại giao, phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 và các ban ngành liên quan của Lào tiếp tục chuẩn bị triển khai “làn xanh” (thủ tục nhanh) đối với Việt Nam và Trung Quốc.

Tính tới ngày 7/8, Lào tiếp tục không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới nào. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới nay, nước này đã phát hiện 20 ca nhiễm và đang điều trị cho một bệnh nhân duy nhất là người Hàn Quốc. Bệnh nhân này mới nhập cảnh vào Lào vài ngày trước đó và khi phát bệnh vẫn đang được cách ly. 19 bệnh nhân còn lại đều đã được chữa khỏi và đều đã xuất viện.

Hạ viện Indonesia cảnh báo nguy cơ kinh tế suy thoái 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban XI của Hạ viện Indonesia (DPR) đưa ra cảnh báo nguy cơ nền kinh tế quốc gia rơi vào suy thoái sau khi nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng âm 5,32% trong quý II/2020. Tuy nhiên, Chủ tịch ủy ban, ông Dito Ganinduto đánh giá kinh tế Indonesia vẫn còn cơ hội thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế, dự báo tăng trưởng ít nhất 0% trong quý III/2020.

Theo ông Dito, Indonesia có thể thoát khỏi suy thoái nếu chính phủ đẩy nhanh việc sử dụng ngân sách để xử lý tác động của đại dịch và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN). Ngoài ra, có thể đạt tăng trưởng kinh tế nhờ nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn. Tuy nhiên, việc này vẫn phải đi kèm với các hướng dẫn y tế nghiêm ngặt nhằm tránh làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Malaysia chi gần 15 triệu USD hỗ trợ nông dân trong dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 20/7. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Malayisa Ronald Kiandee cho biết nước này đã phân bổ 14,6 triệu USD cho các tổ chức nông dân thông qua gói kích thích kinh tế Prihati nhằm giúp những người làm nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng nổ.

Theo ông Ronald Kiandee, trong tổng số tiền này, có 50 triệu ringgit đã được phân bổ cho các chương trình nông nghiệp ngắn hạn (bắt đầu sản xuất từ 3 tới 6 tháng) với mỗi tổ chức nhận được từ 100.000-200.000 ringgit. Có 224 tổ chức nông dân đã nhận khoản hỗ trợ đặc biệt này để triển khai các dự án nông nghiệp. 

Trong khi đó, 10 triệu ringgit được phân bổ cho các cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trữ và phân phối thực phẩm cũng như các chương trình tích hợp cây trồng nhằm đảm bảo chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm được thông suốt hiệu quả hơn. Ngoài ra, 2 triệu ringgit cũng được phân bố nhằm gia tăng việc sử dụng máy móc nông nghiệp bao gồm máy kéo và máy gặt. 

Tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận 25 ca nhiễm bệnh. Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 9.063 ca nhiễm bệnh bao gồm 125 trường hợp tử vong.

Xuất khẩu thịt gà Thái Lan gặp khó do COVID-19

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Pattayamail

Hiệp hội các nhà xuất khẩu thịt gà chế biến Thái Lan (TBPEA) cho biết xuất khẩu thịt gà của Thái Lan trong nửa đầu năm 2020 tăng trưởng kém hơn dự kiến do bị tác động bởi đại dịch COVID-19. 

Thái Lan xuất khẩu 470.000 tấn thịt gà trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019; đạt giá trị 54 tỉ baht (khoảng 1,73 tỉ USD), tăng 1 tỉ baht so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành TBPEA Kukrit Arepagorn cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến hai thị trường chính của Thái Lan là Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cắt giảm nhập khẩu thịt gà. Xuất khẩu thịt gà của Thái Lan sang EU giảm 10% do tình hình COVID-19 ở khối này vẫn chưa được giải quyết. TBPEA hy vọng Thái Lan xuất khẩu được 280.000 tấn thịt gà sang EU trong năm nay, giảm so với khối lượng 330.000 tấn của năm 2019.

Trong khi đó, xuất khẩu thịt gà của Thái Lan sang Nhật Bản chỉ tăng 2% do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới ngành du lịch và buộc Nhật Bản phải hoãn Thế vận hội Tokyo, khiến nhu cầu giảm.

Tuy nhiên, ông Kukrit cho biết xuất khẩu thịt gà sang Trung Quốc và Singapore lại tăng lần lượt là 100.000 tấn và 20.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2020. Mặc dù nhu cầu thịt gà ở Trung Quốc gia tăng, nhưng Thái Lan không thể tăng sản lượng vì Trung Quốc chỉ đặt hàng cánh gà và chân gà. Hiện nay, ức gà không thể được xuất khẩu sang EU, khiến cho giá giảm.

Ông Kukrit dự báo tình hình trong nửa cuối năm 2020 sẽ không cải thiện vì đại dịch COVID-19 vẫn diễn ra dai dẳng ở EU, đồng thời cho biết TBPEA giữ nguyên chỉ tiêu xuất khẩu trong năm nay là 980.000 tấn.

Theo ông Kukrit, nếu EU kiềm chế được sự lây lan của COVID-19 và vaccine ngừa bệnh này sẵn sàng để sử dụng thì tình hình xuất khẩu thịt gà của Thái Lan sẽ sáng sủa hơn. TBPEA đang nỗ lực tìm kiếm thị trường ở các nước láng giềng khi những nước này có thể tìm cách nhập khẩu nhiều thịt gà hơn do giá thịt lợn tăng cao. Ông Kukrit cho biết hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thịt gà đều đã cắt giảm sản lượng để phù hợp với nhu cầu giảm. Tuy nhiên, chi phí sản xuất không tăng nhiều vì giá ngô và đậu nành vẫn ổn định.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay
Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 7/8, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện thêm 1.580 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN