Theo kênh CNN (Mỹ), bà Sarah Thebarge - trợ lý bác sĩ 41 tuổi hiện sống ở thành phố San Francisco - mỗi ngày phải làm bạn với những viên thuốc chữa lupus để không còn phải chịu đựng những cơn đau nhức xương khớp, sự mệt mỏi và thậm chí đôi lần ngất xỉu. Loại thuốc bà sử dụng là hydroxychloroquine hay viết tắt là HCQ sản xuất tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong tháng Ba vừa qua, HCQ – cũng được dùng để chữa bệnh sốt rét – bỗng chốc trở nên khó mua hơn sau khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi loại thuốc này hiệu quả trong việc điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Khi mọi nơi bắt đầu đầu cơ tích trữ thuốc, Ấn Độ - quốc gia sản xuất 70% thuốc HCQ cho thế giới – nhanh chóng ngừng xuất khẩu để bảo toàn nguồn cung của mình.
“Khi xuất hiện tình trạng tích trữ, tôi không mua được thuốc. Viễn cảnh thực sự khiến tôi lo sợ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không có thuốc HCG để uống”, bà Thebarge chia sẻ.
Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa chấp nhận HCQ như một phương thuốc trong việc điều trị COVID-19 song câu chuyện trên cho thấy Mỹ đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn thuốc generic Ấn Độ như thế nào. Thuốc generic là thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc, nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều.
Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 4/2020 do Liên minh Công nghiệp Ấp Độ (CII) và công ty kiểm toán KPMG thực hiện, 90% thuốc được kê tại Mỹ là thuốc generic và cứ trong 3 viên thuốc thì lại có một viên do Ấn Độ sản xuất. Trong khi Mỹ dường như vẫn giữ vững quan điểm với đồng minh Ấn Độ về việc nhập khẩu thuốc, thì tại khâu đầu trong chuỗi cung ứng, một vấn đề lớn hơn nảy sinh.
% nguyên liệu thô - được gọi là hoạt chất dược phẩm (API) – của Ấn Độ lấy từ Trung Quốc. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đó cũng có thể gây ra một mối nguy lớn, đặc biệt là trong đại dịch hiện nay.
Trong bối cảnh các nhà khoa học và các công ty dược phẩm thi nhau tìm ra thuốc điều trị và vắc-xin hiệu quả cho đại dịch COVID-19, đã xuất hiện mối lo ngại cho rằng những tổn hại hiện giờ trong chuỗi cung ứng có thể khiến Mỹ và các quốc gia khác rơi vào tình trạng thiếu thuốc, ngay trong trường hợp khẩn cấp nhất.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ trong ngành dược toàn cầu
Ấn Độ nổi lên như một nhà sản xuất thuốc rẻ toàn cầu kể từ khi chính quyền của cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi thông qua Đạo luật sáng chế năm 1970. Đạo luật này quy định nhà nước chỉ cấp quyền bảo vệ pháp lý cho các quy trình sản xuất thuốc chứ bảo vệ các thành phần trong thuốc.
Theo ông Karan Singh - Giám đốc Điều hành công ty dược Ấn Độ ACG Worldwide, New Delhi nhận ra với dân số khổng lồ, người dân Ấn Độ không bao giờ có thể mua được các loại thuốc nhập khẩu có bằng sáng chế và cần phải tìm một giải pháp khác.
Các công ty Ấn Độ bắt đầu tìm hiểu thuốc của các hãng dược lớn và cho ra đời các phiên bản “nhái” có hiệu quả sinh học tương đương. Các loại thuốc giá rẻ của Ấn Độ đã thu hút được sự quan tâm của các nước khác, trong đó có Mỹ. Vào giữa những năm 1980, những thay đổi về quy định cho phép thị trường Mỹ tiếp cận với nguồn cung dược phẩm giá rẻ này.
Vấn đề cung ứng trong đại dịch
Khi số các ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc tăng vọt hồi tháng 1, chính phủ nước này áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Các nhà máy cung cấp API tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa. Tình huống này đã khiến nhiều công ty dược phẩm Ấn Độ chật vật trong việc thu mua nguyên liệu thô.
“Khi Trung Quốc áp dụng lệnh phong tỏa vì COVID-19, chúng tôi thực sự bất lực. Ngay lập tức chúng tôi phải lao vào tranh giành với các nhóm mua hàng khác và chuỗi cung ứng để đảm bảo nhà máy có đủ nguyên liệu thô. Chúng tôi nỗ lực tìm nguồn hàng từ các doanh nghiệp địa phương, mặc dù những lô hàng mà họ cung cấp chỉ có số lượng ít và giá thành đắt”, Vinay Pinto – Giám đốc Điều hành công ty Wallace Pharma, một trong những nhà sản xuất HCQ lớn nhất tại Ấn Độ - cho hay. Một số công ty dược phẩm Ấn Độ thậm chí còn thuê các máy bay tư nhân để vận chuyển nguyên liệu thô từ Trung Quốc về nước.
Đến giữa tháng 3, lệnh phong tỏa đã được nới lỏng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng đóng cửa biên giới giữa các nước trong đại dịch tiếp tục gây ra nhiều vấn đề hậu cần đối với các lô hàng nhập khẩu.
“Chúng tôi vẫn đang gặp khó trong việc nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. So sánh tháng 3 năm nay với cùng thời điểm năm ngoái, lượng hàng nhập từ Trung Quốc giảm 40%”, PC Mishra – người đứng đầu Tổng cục ngoại thương Ấn Độ - tiết lộ.
Kể từ đầu những năm 1990, sau khi các lệnh hạn chế nhập khẩu được dỡ bỏ, các nhà máy sản xuất thuốc generic ở Ấn Độ bắt đầu nhập nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Theo báo cáo của CII-KPMG, nguyên liệu thô Trung Quốc có thể giúp giảm 30% chi phí sản xuất thuốc. Hiện Trung Quốc có tổng cộng trên 7.000 nhà máy sản xuất thành phần dược phẩm, trong khi Ấn Độ chỉ có khoảng 1.500 cơ sở.
Đây không phải là lần đầu tiên lĩnh vực dược phẩm Ấn Độ lao đao vì nguồn cung từ Trung Quốc. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đóng cửa phần lớn các nhà máy sản xuất thành phần dược phẩm trong 3 tuần để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, khiến giá thành thuốc đội lên cao.
Sau bài học đó, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai sáng kiến xây dựng siêu công viên dược để sản xuất thành phần dược phẩm. Tuy nhiên, dự án này đã phải tạm dừng do thiếu kinh phí. Ngày 21/3, Chính phủ Ấn Độ một lần nữa tái xem xét dự án Siêu công viên dược nằm trong gói 1,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu.
Mỹ cũng nhận ra bản thân cần trở nên tự chủ hơn. "Chúng ta không bao giờ nên phụ thuộc vào các nước khác liên quan đến lĩnh vực dược phẩm", Peter Navarro - Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump – phát biểu trong cuộc họp báo tháng trước. Ông cho rằng sau đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ sẽ chỉ khai thác các loại thuốc thiết yếu, vật tư y tế và thiết bị do công ty Mỹ sản xuất.
Theo FDA Mỹ, tính đến tháng 8/2019, chỉ 28% cơ sở sản xuất hóa chất dược cho thị trường Mỹ có trụ sở tại Mỹ. Phần còn lại là ở Liên minh châu Âu (26%), Ấn Độ (18%), Trung Quốc (13%) và các nơi khác (15%). Động thái thúc đẩy nhằm giảm sự phụ thuộc về dược phẩm của Mỹ đối với các quốc gia khác đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng.