Theo hãng tin CNA, hôm 14/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny Plate cho biết theo một phần của chiến lược sống chung với COVID-19, Chính phủ Indonesia đang bắt đầu vạch lộ trình chuyển tiếp đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu. Quốc gia này dự đoán COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022 khi tỉ lệ miễn dịch trong dân số tăng lên cùng chiến dịch tiêm vaccine được tăng cường.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, “bệnh đặc hữu” chỉ sự hiện diện liên tục hoặc sự xuất hiện phổ biến của một căn bệnh hay một tác nhân truyền bệnh trong cộng đồng dân cư tại một khu vực địa lý nhất định. Cho dù đó là HIV, bệnh lao hay một bệnh khác, tính đặc hữu vẫn là một trong các giai đoạn tiến triển tự nhiên của nhiều căn bệnh truyền nhiễm ở người.
Khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, mối đe doạ của nó đối với sức khỏe của người dân Indonesia sẽ giảm đáng kể. Hầu hết mọi người sẽ được bảo vệ trước các triệu chứng nghiêm trọng và các đợt tái bùng phát dịch bệnh, đặc biệt nếu dịch bệnh được ngăn chặn thông qua xét nghiệm thường xuyên và truy vết tiếp xúc.
Trên 89% trong số 119 nhà miễn dịch học, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và các nhà virus học trên khắp 23 quốc gia tham gia cuộc khảo sát gần đây của Tạp chí Nature cho rằng rất có thể COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu.
Để thích ứng với tình hình này, Chính phủ Indonesia hiện đang chuẩn bị một số biện pháp, bao gồm kiểm soát các hoạt động cộng đồng và hoạt động của người dân thông qua việc thực hiện các biện pháp y tế, thúc đẩy sự hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng, nâng cao năng lực y tế và cơ sở hạ tầng đồng đều ở tất cả các khu vực, giám sát sự phân bố của các biến thể và phát triển kế hoạch thích ứng y tế công cộng lâu dài.
Việc dự đoán COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia cho thấy rằng loại virus này sẽ không biến mất. Ngược lại, Indonesia đang hướng tới việc có đủ tỉ lệ dân số đạt khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng và hồi phục sau khi lây nhiễm tự nhiên. Điều này sẽ giúp làm giảm lây nhiễm, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 hơn.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chắc chắn khi nào COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia. Các chuyên gia ước tính, có thể phải mất tới một vài năm hoặc thậm chí một vài thập kỷ để dịch COVID-19 đạt tới tính đặc hữu ổn định.
Sự thay đổi sang tính đặc hữu được quyết định bởi nhiều yếu tố, như khả năng lây lan của virus, các hình thức tiếp xúc trong cộng đồng khiến virus lây lan, cũng như mức độ và thời gian bảo vệ thông qua tiêm vaccine và lây nhiễm tự nhiên.
Hơn nữa, việc sống chung với đại dịch tại các khu vực ở Indonesia có thể sẽ rất khác nhau, vì mỗi khu vực có mô hình dịch tễ học và phản ứng COVID-19 không đồng đều. Cùng với đó là việc phân bổ và tiếp nhận vaccine khác nhau ở mỗi địa phương.
Lộ trình COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia rất khó để dự đoán, nhưng chính phủ nước này đang thực hiện một số biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Ít nhất trong 1 đến 2 năm tới, Indonesia sẽ tiếp tục làm giảm sự lây nhiễm qua việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh là phù hợp.
Chính phủ sẽ thúc đẩy năng lực của hệ thống y tế để kiểm soát sự gia tăng số ca mắc trong tương lai cho tới khi có đủ tỉ lệ dân số được tiêm vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh giảm đáng kể.
Quan trọng hơn, chiến lược kiểm soát COVID-19 của chính phủ cũng sẽ mở rộng, ngoài các biện pháp y tế và kỹ thuật, các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội cũng ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.
Indonesia sẽ tiếp tục đối phó với COVID-19 theo cách tiếp cận của chính phủ, sự hợp tác của tất cả các ngành, các bên liên quan ở mọi cấp độ, từ các nhà chức trách địa phương cho tới các cộng đồng và xây dựng lộ trình sống chung với dịch bệnh dựa trên sự phối hợp tác rõ ràng, nhất quán. Chính phủ Indonesia cũng nhận định rõ ràng không nên lơ là cảnh giác quá sớm trước tính chất khó lường của dịch COVID-19 hiện nay.
Tính đến ngày 16/9, Indonesia đã ghi nhận trên 4,1 triệu ca mắc COVID-19 với 139.000 ca tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia miễn phí phòng COVID-19 từ ngày 13/1. Indonesia đã tiêm một mũi vaccine cho ít nhất 74.257.515 dân số và 42.565.331 người đã hoàn thành tiêm chủng đủ 2 mũi.