Theo trang worldometers.info, tới hết ngày 16/8 các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 371.009 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 9.058 ca tử vong. Hiện nay, có 230.085 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.
Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực và cũng đang dẫn đầu về tổng số nạn nhân tử vong do đại dịch, với 6.150 người. Trong khi đó, với số ca mắc mới ở mức trên 3.000 người/ngày, Philippines tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.
Bộ Y tế Philippines ngày 16/8 cho biết nước này có thêm 3.420 ca nhiễm và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên tương ứng là 161.253 ca và 2.665 ca.
Trước tình hình diễn biến căng thẳng, Phủ Tổng thống Philippines ngày 15/8 đã thông báo gia hạn lệnh cách ly cộng đồng tại các thành phố Nueva Ecija, Batangas, Quezon, Cebu City và Iloilo City từ ngày 16/8 đến 31/8.
Dự kiến ngày 17/8, Tổng thống Duterte sẽ thông báo về quy định mới đối với các khu vực đang áp dụng lệnh "Cách ly Cộng đồng tăng cường" (hết hiệu lực trong ngày 18/8) trong đó có Vùng Thủ đô Manila.
Trước đó, Philippines đã thông báo hoãn khai giảng năm học mới thêm 6 tuần, tới tháng 10, khi đối phó với số ca COVID-19 tăng vọt. Nhà chức trách nước này đang biến các lớp học thành cơ sở cách ly. Các trường học trên khắp cả nước Philippines đã đóng cửa từ giữa tháng 3 khi chính phủ của Tổng thống Duterte áp lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Tại Indonesia, ngày 16/8, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 2.081 ca nhiễm và 79 ca tử vong. Quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới này đã có tổng cộng 139.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.150 ca tử vong. Dịch COVID-19 lây lan ở toàn bộ 34 tỉnh thành nước này.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ phân bổ 356.500 tỷ rupiah (tương đương 24,04 tỷ USD) cho các gói kích thích ứng phó với đại dịch COVID-19 vào năm tới nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, cũng như tăng cường hệ thống chăm sóc y tế, bao gồm cả việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19.
Trong Thông điệp quốc gia thường niên đọc trước Quốc hội ngày 14/8 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo cũng cam kết sẽ tiếp tục kéo dài các gói kích thích của năm nay tới năm 2021, gồm các chương trình bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Theo đó, Chính phủ Indonesia sẽ giải ngân 25.400 tỷ rupiah trong năm tới cho hệ thống chăm sóc y tế, trong đó có kinh phí mua vaccine phòng COVID-19.
Chính phủ cũng sẽ giải ngân 110.200 tỷ rupiah cho bảo trợ xã hội, trong đó có Chương trình Hy vọng Gia đình, hỗ trợ tiền mặt và chương trình thẻ lao động... Ngoài ra, 136.700 tỷ rupiah sẽ được phân bổ cho các bộ và chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy du lịch, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các khu công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như cấp các khoản vay. Khoảng 48.800 tỷ rupiah đang được giải ngân cho các MSME, 14.900 tỷ cho các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, và 20.400 tỷ khác cho các chương trình ưu đãi thuế.
Indonesia đã quyết định chi 695.200 tỷ rupiah cho các gói kích thích trong năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và ứng phó với các tác động của đại dịch. Năm 2021, Chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 971.200 tỷ rupiah, tương đương với 5,5% GDP.
Tại Malaysia, theo tờ Straits Times, Viện Nghiên cứu Y khoa Malaysia đã phát hiện một chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 được gọi là D614G có khả năng lây lan cao gấp 10 lần so với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chủng D614G được phát hiện ở 4 trường hợp mắc COVID-19 thuộc hai chùm lây nhiễm tại Malaysia, gồm chùm Sivagangga và Ulu Tiram.
Theo ông Noor Hisham Abdullah, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Y khoa Malaysia, phát hiện về chủng đột biến này có nghĩa người dân cần cẩn trọng hơn và tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang.
Ông Hisham Abdullah cũng cho biết, chủng D614G được phát hiện trong tháng 7/2020, có thể khiến nghiên cứu vaccine hiện tại chưa hoàn thiện hoặc không hiệu quả đối với chủng virus mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hành động nhanh chóng của các cơ quan y tế Malaysia đã kiểm soát được sự lây lan của virus từ các cụm lây nhiễm.
Ngày 16/8, Malaysia ghi nhận 25 ca nhiễm mới, với tổng số ca bệnh COVID-19 hiện nay là 9.200 ca, số ca tử vong vẫn giữ nguyên 125 trường hợp.
Cùng ngày, Singapore xác nhận có thêm 86 ca COVID-19, bao gồm 6 ca nhập cảnh, đều được cách ly ngay khi đến.
Hiện tại số ca nhiễm virus tại Singapore là 55.747 trường hợp, trong đó 51.521 bệnh nhân đã hồi phục. Trong số các ca nhiễm mới chỉ có 2 ca lây nhiễm cộng đồng.