Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến xu thế ca tử vong tăng trở lại. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 400 ca bệnh mới và chỉ có 14 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 10/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 99 trường hợp.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.180 ca bệnh và 14 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/11 ghi nhận thêm xấp xỉ 7.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 62 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 65 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Lào ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay tại Viêng Chăn
Tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 10/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.140 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong.
Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục gia tăng; trong đó có tới 1.134 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay, đứng đầu cả nước với 671 trường hợp, tăng 159 ca so với ngày 9/11; khiến số bản được quy định là vùng đỏ cũng tăng cao với 304 bản tại 9 quận. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, 2 trường hợp tử vong mới do COVID-19 tại nước này đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 50.031 ca, trong đó có 91 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị; đồng thời khẩn trương triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao để phòng biến chứng nguy hiểm.
Trong diễn biến liên quan khác, cơ quan chức năng Lào và Thái Lan vừa lập uỷ ban liên hợp để nghiên cứu xây dựng cơ chế mở lại cửa khẩu biên giới trên bộ, sau thời gian dài phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đó, trước mắt hai bên sẽ cho phép thực hiện các chuyến du lịch qua lại trong ngày giữa Nongkhai, Udon Thani với Viêng Chăn thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu nghị số 1 nhằm kích thích trở lại hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa hai bên.
Malaysia tính 3 cách kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn đặc hữu
Ngày 9/11, Thứ trưởng Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali đã đề xuất 3 cách để kiểm soát đại dịch COVID-19 trong giai đoạn bệnh đặc hữu - là giai đoạn sống chung với virus SARS-CoV-2.
Phát biểu tại phiên họp Thượng viện, Thứ trưởng Noor đã khuyến nghị 3 biện pháp gồm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với những biến thể đáng quan tâm mới xuất hiện; tiếp tục mở rộng độ bao phủ vaccine, bao gồm việc tiêm mũi tăng cường; cung cấp thêm thông tin để người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh.
Ông Noor cho biết, đến thời điểm hiện tại, Malaysia chỉ còn 2 bang Sarawak và Kelantan đang ở giai đoạn 3 của Kế hoạch phục hồi quốc gia, còn những bang còn lại đang ở giai đoạn 4 - giai đoạn "bình thường mới". Do vậy, Malaysia đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, sống chung an toàn với COVID-19.
Thái Lan chuẩn bị vaccine để đón người lao động nước ngoài trở lại
Ngày 10/11, Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động.
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Hiện một số ngành xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan như ngành chế biến thực phẩm và sản xuất cao su đang thiếu lao động.
Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin, người lao động khi trở lại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được yêu cầu cách ly 2 tuần và được tiêm vaccine trong thời gian này. Người lao động cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19 khi đến Thái Lan. Bộ trưởng Suchart Chomklin xác nhận Thái Lan đã chuẩn bị sẵn từ 400.000-500.000 liều vaccine để tiêm cho các lao động nhập cư. Bộ trên ước tính trước mắt nước này sẽ cần khoảng 420.000 lao động nhập cư.
Chính phủ Thái Lan cũng hy vọng việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn hoạt động đưa người lao động nhập cảnh trái phép nước này. Giới chức Thái Lan đã bắt giữ khoảng 11.000 người liên quan các vụ nhập cảnh trái phép trong tháng 10, tăng mạnh so với con số 1.456 người được ghi nhận cùng kỳ năm 2020.