Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Malaysia.
Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn trên 90 trường hợp.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 39 trường hợp không qua khỏi. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 23 ca mắc COVID-19 và có 1 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 12/5 ghi nhận thêm 1.983 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh lên 34 người.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 472 bệnh nhân mới trong ngày 12/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 72.000 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 325 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.622.699 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.308.366 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 12/5:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,728,204 |
+4,608 |
47,617 |
+152 |
1,584,878 |
Philippines |
1,118,359 |
+4,842 |
18,714 |
+94 |
1,046,431 |
Malaysia |
453,222 |
+4,765 |
1,761 |
+39 |
411,360 |
Myanmar |
142,997 |
+23 |
3,211 |
+1 |
132,064 |
Thái Lan |
88,907 |
+1,983 |
486 |
+34 |
59,043 |
Singapore |
61,419 |
+16 |
31 |
|
60,975 |
Campuchia |
20,695 |
+472 |
136 |
+5 |
8,539 |
Timor-Leste |
3,626 |
+133 |
5 |
|
1,894 |
Việt Nam |
3,623 |
+86 |
35 |
|
2,636 |
Lào |
1,417 |
+55 |
1 |
|
328 |
Brunei |
230 |
|
3 |
|
218 |
Tại Thái Lan ngày 12/5 ghi nhận số ca tử vong do mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao kỷ lục, với 34 ca.
Giới chức sở tại cũng thông báo với thêm 1.983 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện tăng lên đến 88.907 người, trong đó có 486 ca tử vong.
Giới chức y tế Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số ở thủ đô Bangkok (khoảng 5 triệu người) trong vòng 2 tháng. Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong cuộc họp Nội các đã bày tỏ quan ngại rằng số lượng người đăng ký tiêm chủng thấp hơn mục tiêu đề ra. Cho đến nay mới chỉ có hơn 1,6 triệu người từ 60 tuổi trở lên và những người có 7 loại bệnh lý nền đăng ký tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó có 500.000 người ở Bangkok.
Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, tức là khoảng 50 triệu người, vào tháng 12 năm nay.
Ngày 12/5, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19 tại 3/18 tỉnh thành trên cả nước trong vòng 24 giờ qua. Ngoài 21 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh Champasak ở miền Nam, số còn lại đều là các ca lây nhiễm cộng đồng.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Bokeo ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 25 ca, tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn với 9 ca. Dù số ca mắc mới ở Bokeo vẫn ở mức cao, nhưng một số tín hiệu tích cực như số ca mắc mới ở tâm dịch là thủ đô Viêng Chăn tiếp tục duy trì mức 1 con số trong khi phần lớn các tỉnh thành khác không ghi nhận ca mới cho thấy làn sóng dịch thứ 2 tại Lào đang có xu hướng được kiểm soát.
Bộ Y tế Lào cũng thông tin thêm về tình trạng lây nhiễm, ban đầu tập trung ở các tụ điểm giải trí, tụ tập đông người nay chuyển sang lây nhiễm trong gia đình. Theo bộ trên, điều này cho thấy việc thực hiện tự cách ly tại nhà chưa nghiêm túc. Vì vậy, bộ trên yêu cầu người dân, đặc biệt là những người đang cách ly tại nhà, nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định cách ly.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.417 ca, gồm 170 ca nhập cảnh cách ly ngay, số còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 328 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
Trong khi đó tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo ghi nhận 4.842 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.118.359 ca.
Cũng theo Bộ trên, số người tử vong do COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 18.714 người sau khi có thêm 94 bệnh nhân tử vong.
Philippines đang phải chống chọi với đợt bùng phát mạnh dịch COVID-19. Trong tuần qua, số ca mắc mới trung bình hằng ngày ở nước này dao động trong khoảng từ 6.600 đến 7.700 ca.
Bộ Y tế Campuchia ngày 12/5 thông báo ghi nhận 472 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó 469 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thêm 5 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến ngày 12/5, Campuchia ghi nhận tổng cộng 20.695 ca mắc COVID-19, trong đó 8.539 bệnh nhân đã hồi phục và 136 ca tử vong.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông cáo kéo dài thêm một tuần việc áp dụng phân chia các khu vực trong thành phố theo các mức “Khu vực Đỏ” (rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao), “Khu vực Vàng đậm” (rủi ro lây nhiễm ở mức trung bình) và “Khu vực Vàng” (rủi ro lây nhiễm thấp). Theo đó, việc phân chia khu vực để phòng chống dịch COVID-19 tại Phnom Penh sẽ tiếp tục được thực hiện đến ngày 19/5 tới.
Chính phủ Campuchia đã quyết định hỗ trợ chi phí mua lương thực, thực phẩm và phí điện, nước sinh hoạt cho các gia đình nghèo sống trong các khu vực bị phong tỏa tại Phnom Penh, Takhmao (Kandal) và Sihanoukville. Theo thông cáo báo chí về việc thực hiện chương trình trợ cấp xã hội bằng tiền mặt, chính phủ sẽ dành từ 160.000-300.000 riel (khoảng 40-75 USD) để hỗ trợ mỗi gia đình có mức sống thấp gặp khó khăn khi chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi rộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Các gia đình sẽ nhận được hỗ trợ gồm gia đình lái xe, công nhân xây dựng, bán hàng rong trên phố, bán hàng ở chợ, thu gom rác và một số ngành nghề khác. Bộ Lao động và Đào tạo Nghề Campuchia cũng cho biết 5.262 công nhân phải nghỉ việc tại 29 nhà máy sản xuất hàng may mặc và lao động ngành du lịch sẽ được nhận tiền trợ cấp 40 USD/tháng qua hệ thống thanh toán Wing.