Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 13/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 794.647 ca mắc COVID-19 trong đó có 19.351 ca tử vong và 640.992 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với gần 4.000 ca/ngày, cao gấp hai lần Philippines. Trong khi đó Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm mới giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 và đây là mức thấp nhất trong 3 tuần qua. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, Indonesia đang chuẩn bị vượt qua Philippines dẫn đầu khu vực về tổng số ca COVID-19.
Malaysia tiếp tục chuỗi ngày tăng mạnh số ca lây nhiễm, trong khi ngày 13/10, Myanmar không công bố số liệu cập nhật. Những ngày trước đó, số ca lây nhiễm và tử vong tại nước này đã liên tục tăng mạnh.
Thái Lan triển khai xe xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động gần Myanmar
Ngày 12/10, giới chức Thái Lan đã đưa 3 trạm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lưu động tới huyện Mae Sot của tỉnh Tak để xét nghiệm cho khoảng 4.000 người Thái Lan và Myanmar sau khi 3 lái xe tải người Myanmar có kết quả dương tính với chủng virus gây bệnh COVID-19 này tại biên giới Thái Lan.
Lãnh đạo huyện Mae Sot, ông Thoetkiat Shinsoranan, cho biết tất cả các trường hợp trên đều là cư dân sinh sống tại khu vực biên giới. Họ được xếp vào diện có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Hoạt động xét nghiệm được triển khai tại thời điểm cư dân của thành phố này được khuyến cáo ở nhà và hạn chế tối đa việc đi lại.
Trong chuyến thị sát huyện Mae Sot cùng ngày, ông Thanitphon Chaiyanan, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, cho biết bước đầu, không ai trong số 1.500 người được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sẽ có thêm nhiều xét nghiệm tại các cộng đồng có nguy cơ cao ở huyện biên giới này trong những ngày tới.
Bộ Y tế Thái Lan đẩy mạnh xét nghiệm ở tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện 3 ca mắc COVID-19 là lái xe người Myanmar. 11 trường học tại Mae Sot cũng đã đóng cửa để tiến hành vệ sinh, khử trùng. Theo kế hoạch, các trường này sẽ hoạt động trở lại vào ngày 14/10.
Về tình hình dịch COVID-19 trên toàn Thái Lan, tính đến ngày 13/10, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm hai ca bệnh mới đều là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cách ly, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại đây hiện ở mức 3.643 ca, trong đó có 59 ca tử vong.
Indonesia: Phong tỏa trụ sở Hội đồng lập pháp Jakarta vì COVID-19
Ngày 13/10, trụ sở Hội đồng lập pháp của thủ đô Jakarta (Indonesia) đã bị phong tỏa sau khi ít nhất 41 nhà lập pháp và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng Thư ký Hội đồng Indra Iskandar cho biết tòa nhà Nusantara 1 - nơi tập trung văn phòng riêng của các đại biểu và phòng họp chính - sẽ đóng cửa tới ngày 8/11 để phun khử trùng trong khi những người mắc bệnh đã tự cách ly.
Trước đó, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng đã yêu cầu đóng cửa khu phức hợp Hội đồng lập pháp địa phương sau khi hàng chục người cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 13/10, Bộ Y tế Indonesia xác nhận có 3.906 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và 92 ca tử vong. Thủ đô Jakarta hiện vẫn là tâm dịch với hơn 88.100 ca mắc, trong đó có hơn 1.920 ca tử vong.
Philippines: Số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất 3 tuần qua
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 1.990 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong vòng 3 tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng lên tới 344.713 ca, vẫn ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, với thêm 40 ca bệnh không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Philippines hiện tăng lên thành 6.372 ca.
Campuchia cho phép đại học công lập mở cửa trở lại
Bộ Giáo dục Campuchia ngày 12/10 cho biết đã “bật đèn xanh” cho các trường đại học công lập trên cả nước mở cửa trở lại sau nhiều tháng phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19.
Thông báo của Bộ Giáo dục Campuchia nêu rõ bắt đầu từ ngày 12/10, tất cả các trường đại học công lập của Campuchia có thể nối lại hoạt động với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành về phòng chống dịch COVID-19.
Người phát ngôn Bộ Giáo dục Campuchia Ros Soveacha nhấn mạnh mỗi trường đại học phải tuân thủ các biện pháp y tế của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, ông Heng Vanda thuộc Ban điều hành Hiệp hội giáo dục đại học Campuchia cho biết theo hướng dẫn chung đối với tất cả các trường tiểu học, trung học và đại học trên cả nước trong mùa dịch COVID-19, cả giáo viên và học sinh đều phải đeo khẩu trang, mang theo nước rửa tay diệt khuẩn và thực hiện giãn cách. Học sinh phải mang đồ ăn từ nhà và mỗi lớp không được vượt quá 25 học sinh.
Tháng 7 vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Bộ Giáo dục Campuchia đã thông báo 3 giai đoạn mở cửa lại trường học ở nước này trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19. Sau đó nửa tháng, Bộ đã nêu danh sách 20 trường đầu tiên được mở cửa trở lại. Đầu tháng 9, giai đoạn 2 bắt đầu được thực hiện khi chủ các cơ sở giáo dục tư nhân nhất trí thực hiện đầy đủ hướng dẫn chung về phòng dịch, và một tuần sau đó Campuchia cho phép các trường trên cả nước mở cửa cho học sinh lớp 9 đến lớp 12 đi học trở lại.
Về diễn biến dịch COVID-19, đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 283 ca mắc COVID-19, trong đó có 278 ca hồi phục và không có ca nào tử vong.