Theo trang thống kê worldometer.info, trong ngày 15/9, các nước ASEAN ghi nhận 7.217 ca mắc COVID-19 mới tại 6 quốc gia và 158 ca tử vong tại hai quốc gia là Indonesia và Philippines.
Đây cũng là hai nước ghi nhận số ca nhiễm mới liên tục cao nhất khu vực và đều ở trên mức 3.500 ca. Trong khi đó, "điểm nóng" mới Myanmar đang có tổng ca bệnh đã vượt Thái Lan, với trên 3.500 trường hợp.
Myanmar: Số ca bệnh vượt qua Thái Lan
Là một "điểm nóng" COVID-19 mới trong khu vực, Myanmar đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 lên tới 3.502 trường hợp, vượt qua Thái Lan với 3.480 ca. Trong ngày 15/9, nước này xác nhận thêm 307 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 vừa qua. Myanmar hiện ghi nhận 35 ca tử vong, tăng 3 ca trong ngày 15/9.
Cùng ngày, giới chức Trung Quốc cho biết đã phong tỏa một thành phố giáp biên giới Myanmar sau khi phát hiện một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây. Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, miền Tây Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar, đã phát hiện 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giới chức thành phố đã yêu cầu người dân ở trong nhà, cấm mọi hoạt động ra vào thành phố từ tối 14/9, các các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ các siêu thị, cửa hàng thuốc và chợ. Toàn bộ cư dân thành phố sẽ được xét nghiệm.
Thái Lan cấp thị thực dài ngày cho công dân nước ngoài
Nội các Thái Lan vừa thông qua đề xuất cấp thị thực nhập cảnh dài ngày cho người nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này với điều khiện họ thực hiện cách ly 14 ngày và có thời gian lưu trú ít nhất 90 ngày.
Phó phát ngôn viên Chính phủ Traisuree Taisaranakul ngày 15/9 cho biết nội các đã đồng ý cho phép người nước ngoài đến Thái Lan với thời gian lưu trú lên tới 9 tháng cho mỗi chuyến đi, miễn là họ có thể chứng minh được họ đã có thời gian 14 ngày cách ly.
Theo kế hoạch, người nước ngoài sẽ được cấp thị thực nhập cảnh với thời gian lưu trú 90 ngày và có thể được gia hạn hai lần với tổng thời gian 9 tháng. Chính sách mới này sẽ được thực hiện từ tháng tới và dự kiến mỗi tháng có 1.200 du khách sẽ được cấp thị thực loại này.
Malaysia không vội mở lại biên giới
Trang Straits Times cho biết, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 15/9 kêu gọi người dân nước này tiếp tục cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu suy giảm trên khắp thế giới.
Ông Tan Sri Muhyiddin khẳng định Malaysia sẽ không vội mở cửa lại các đường biên giới trong nỗ lực tránh khỏi chuỗi lây nhiễm. "Đừng cảm thấy ngại khi đeo khẩu trang. Tất cả chúng ta phải đóng vai trò là những 'chiến sĩ nơi tiền tuyến' và tiếp tục áp dụng những điều bình thường mới trong cuộc sống", Thủ tướng Muhyiddin phát biểu trên truyền hình nhân dịp kỷ niệm Ngày Malaysia.
Malaysia đã đóng cửa đường biên giới với du khách quốc tế kể từ tháng 3/2020. Những người được phép nhập cảnh vào nước này phải tuân thủ cách ly bắt buộc 14 ngày. Mặc dù lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho hoạt động giao thương, du lịch, nhưng Thủ tướng Malaysia cho rằng: "Chúng ta cần cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ cuộc sống và sinh mạng người Malaysia. Do đó, chính phủ sẽ không vội vàng mở lại biên giới".
Trong ngày 15/9, Malaysia chỉ ghi nhận 23 ca nhiễm COVID-19 mới và có 9.209 bệnh nhân ở nước này đã hồi phục. Theo lệnh kiểm soát hoạt động di chuyển có hiệu lực từ ngày 10/6, hầu hết doanh nghiệp được phép mở cửa lại nhưng phải tuân thủ các giao thức như đo thân nhiệt khách hàng, thực hiện giãn cách xã hội.
Indonesia tính mời các thủ lĩnh băng nhóm tham gia chống dịch
Cảnh sát Indonesia đã lên kế hoạch đề nghị các lãnh đạo cộng đồng và cả những thủ lĩnh băng nhóm ở địa phương nhằm giúp nâng cao nhận thức về các giao thức phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên kế hoạch này đã vấp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ.
Phó Cảnh sát trưởng Quốc gia, Tướng Gatot Eddy Pramono cho biết, động thái trên xuất phát từ tình trạng thiếu nhân sự của lực lượng cảnh sát Indonesia. Theo ông, sự hỗ trợ của các thủ lĩnh băng nhóm và cộng đồng địa phương là cần thiết cho những nỗ lực duy trì kỷ luật nơi công cộng về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Ở Indonesia, các băng nhóm địa phương có liên quan đến tình hình an ninh ở các khu vực như chợ truyền thống và các điểm đỗ xe. "Chúng tôi không tuyển dụng các thành viên băng đảng, nhưng chúng tôi liên quan đến họ. Họ là một phần không chính thức để nâng cao nhận thức cộng đồng, dù không hẳn là hỗ trợ cho thực thi pháp luật ở địa phương", Tướng Pramono phát biểu trong một cuộc điều trần với Hạ viện hôm 14/9.
Trong ngày 15/9, Indonesia ghi nhận 3.507 ca mắc COVID-19 mới và 124 ca tử vong. Số ca bệnh tại nước này cho đến nay là 225.030 trường hợp, trong đó có 8.965 ca tử vong và 161.065 bệnh nhân đã hồi phục.
Philippines ưu tiên mua vaccine COVID của Nga, Trung Quốc
Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã cam kết ưu tiên mua vaccine phòng COVID-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất. Ông Duterte cũng bày tỏ lạc quan rằng quốc gia đang có số ca bệnh đứng đầu Đông Nam Á này sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12. Tuy vậy, ông lưu ý bất cứ hợp đồng mua vaccine nào của Philippines cũng sẽ trải qua thủ tục đấu thầu.
Tờ Straits Times cho hay Philippines hiện đang đàm phán với một loạt nhà cung cấp vaccine COVID-19 tiềm năng, trong đó có các nhà cung cấp của Nga, Trung Quốc, công ty Pfizer và Moderna của Mỹ. Họ cũng đã lên kế hoạch thảo luận với người khổng lồ dược CSL của Australia.
Ngày 15/9, Philippines ghi nhận 3.544 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 269.407, trong đó có 4.663 người đã tử vong và 207.352 ca hồi phục.