Trong ngày 17/9, ASEAN ghi nhận 7.274 ca mắc tại sáu quốc gia và 181 ca tử vong tại ba quốc gia.
Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận 3.635 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 17/9, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 232.628 ca. Indonesia có số ca mắc cao nhất ASEAN trong ngày 17/9.
Với thêm 122 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia hiện lên tới 9.222 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Để đối phó với người không chịu đeo khẩu trang phòng dịch, chính quyền một vùng nông thôn ở Đông Java đã bắt người vi phạm phải đào mộ cho nạn nhân COVID-19.
Mặc dù Indonesia bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhưng có một bộ phận người dân không đeo khẩu trang và không giãn cách xã hội. Các chuyên gia cho rằng thiếu cảnh giác ở nơi công cộng đã khiến nước này khó khăn hơn trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Một quan chức cho biết phần lớn người vi phạm đồng ý với hình phạt như chống đẩy hay dọn dẹp, nhưng ông cũng hy vọng những hình phạt như đào mộ sẽ là biện pháp giáo dục cho thấy ngay hậu quả nghiêm trọng của COVID-19.
Giới chức thủ đô Jakarta đã có ý tưởng tương tự đầu tháng này. Một người đàn ông đã bị yêu cầu ngồi trong quan tài giữa nơi công cộng sau khi bị bắt gặp không đeo khẩu trang.
Hiện chưa rõ các hình thức phạt này có làm số người đeo khẩu trang gia tăng không. Indonesia đã thất bại trong làm giảm ca nhiễm nhiều tháng qua và số ca tiếp tục tăng.
Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc trong 24 giờ qua là Philippines. Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 3.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 53 ca tử vong tại nước này. Theo đó, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Philippines cho đến nay đã lên tới lần lượt là 276.289 ca và 4.785 ca.
Philippines hiện là quốc gia có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Vùng đô thị Manila có số ca mắc trong ngày 17/9 cao nhất Philippines với 963 ca. Tỉnh Bulacan đứng thứ hai với 448 ca, tiếp đó là Cavite, Negros Occidental và Batangas.
Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ gia hạn tình trạng thảm họa tại Philippines do đại dịch COVID-19. Trước đó, ông Duterte tuyên bố tình trạng thảm họa ngày 16/3, ban đầu dự kiến kéo dài 6 tháng.
Tại Myanmar, giới chức đang khẩn trương xây bệnh viện dã chiến 500 giường ở Yangon để đối phó với số ca bệnh tăng mạnh khiến bác sĩ sợ sẽ gây quá tải hệ thống y tế mong manh.
Myanmar ghi nhận 222 ca mới và 6 ca tử vong ngày 17/9, nâng tổng số ca mắc lên 4.043 và tổng số ca tử vong lên 46.
Trong nhiều tuần liền, Myanmar không có ca lây nhiễm cộng đồng. Sau đó, một đợt bùng phát dịch giữa tháng 8 ở khu vực Rakhine đã khiến dịch lan khắp nước. Ba bệnh viện ở Yangon đã được dành riêng để trị bệnh nhân COVID-19.
Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 17/9, nước này đã ghi nhận 18 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại "Đảo quốc Sư tử" lên thành 57.532 người. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất trong hơn 6 tháng kể từ ngày 16/3 với 17 ca mắc được ghi nhận.
Trong số các ca nhiễm mới có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 2 ca bệnh "ngoại nhập", số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài.
Đến nay, Singapore đã có tổng cộng 56.955 người được chữa khỏi COVID-19 và xuất viện, 27 ca tử vong.