Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 18/4 vẫn là Philippines với 10.098 ca, tiếp đó là Indonesia (4.585 ca), Malaysia (2.195 ca) và Thái Lan (1.767 ca). Con số ca mắc 1.767 là cao nhất ở Thái Lan từ đầu dịch COVID-19.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Campuchia chưa có dấu hiệu cải thiện khi ghi nhận 618 ca mắc mới trong ngày 18/4.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (150 ca), Indonesia (96 ca), Malaysia (8 ca), Campuchia (4 ca) và Thái Lan (2 ca).
Số ca mắc mới ở Campuchia tăng ở mức báo động
Số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố sáng 18/4 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng.
Theo trong ngày thứ 4 áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, số ca mắc mới COVID-19 ở Campuchia chủ yếu ghi nhận ở thủ đô Phnom Penh (493 ca), tiếp đến là các tỉnh Sihanoukville (75 ca) và Kandal (31 ca). Các ca còn lại ghi nhận rải rác ở Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Speu, Takeo và Kampong Cham.
Tính tổng cộng, Campuchia có 6.9 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong - tăng 2 ca so với một ngày trước đó.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh đang bị tạm dừng 3 ngày trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế không thể đi tới các điểm tiêm chủng do tình trạng phong tỏa. Campuchia đã tiêm vaccine cho khoảng 1,24 triệu người trên cả nước.
Trong khi đó, đêm 17/4, chính quyền Đô thành Phnom Penh quyết định đóng cửa khu chợ Doeum Kor, đầu mối phân phối rau quả lớn của thủ đô trong vòng 2 tuần sau khi phát hiện khoảng 100 tiểu thương và nhân viên bảo vệ của chợ nhiễm COVID-19.
Cụ thể, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã ký văn bản tạm thời đóng cửa 2 chợ Tuol Kork và Boeng Keng Kang từ ngày 18/4 đến 1/5 để ngăn chặn nguy cơ dịch lan rộng và thêm nhiều tiểu thương bị mắc bệnh. Ông cũng kêu gọi những người dân từng đi mua sắm ở chợ này (từ ngày 5/4) cần tự cách ly và theo dõi sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, trong vòng chưa đầy một tháng, tổng cộng đã có 788 công nhân và người lao động có liên quan thuộc 36 nhà máy trên khắp Phnom Penh đã mắc COVID-19. Dịch bệnh lây lan nhanh trong các nhà máy dệt may ở Phnom Penh từ ngày 21/3, thời điểm ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện tại nhà máy Din Han ở quận Meanchey.
Đánh giá về tình hình phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao từ ngày 15/4, báo Khmer Times dẫn lời nhà phân tích Leap Chanthavy cho rằng các các biện pháp đã được chuẩn bị kỹ nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập, khiến tình hình một số khu dân cư bị xáo trộn. Liên quan vấn đề này, cũng trong tối 17/4, Chính phủ Campuchia đã thông báo sắc lệnh tiếp theo về siết chặt lệnh phong tỏa, nhưng có hướng dẫn và giải thích rõ hơn về những trường hợp được đi lại ở thủ đô và Ta Khmao nhằm tránh những bất cập và tăng hiệu quả của việc thực hiện lệnh phong tỏa.
Hệ thống y tế Thái Lan nỗ lực tránh nguy cơ quá tải
Hệ thống y tế của Thái Lan đang có nguy cơ quá tải trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ 3.
Báo Bangkok Post ngày 18/4 đưa tin một số người dân đã lên mạng xã hội để kêu gọi tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè, với nhận định những lời kêu gọi này làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế của đất nước đang bị đẩy đến giới hạn.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan khẳng định rằng các bệnh có đủ giường cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân không kén chọn và yêu cầu được điều trị tại các bệnh viện có dịch vụ cao. Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân (PHA) Chalerm Harnphanich cũng cho biết nhiều bệnh nhân COVID-19 tại Thái Lan hiện phải chờ giường do một số bệnh viện tư nhân không thu xếp được. Thực trạng này một phần là vì một số bệnh viện tư nhân không giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở y tế bên ngoài mạng lưới của họ và một số bệnh viện yêu cầu bệnh nhân trả tiền điều trị và dịch vụ bất chấp thực tế là Chính phủ sẽ chi trả các chi phí y tế điều trị COVID-19.
Để ứng phó với tình trạng gia tăng đột biến của các ca bệnh COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà chức trách cung cấp thêm 25.000 giường bệnh trên toàn quốc, ngoài sức chứa bình thường của các bệnh viện. Bộ Y tế nước này cũng đang xem xét cho phép bệnh nhân COVID-19 sống một mình tự điều trị nếu các cơ sở y tế quá tải. Theo quy định hiện tại, tất cả bệnh nhân COVID-19 phải được nhập viện để giảm lây truyền. Đây là lý do tại sao một số bệnh viện tư nhân ở Bangkok trước đó đã đình chỉ dịch vụ xét nghiệm COVID-19 do thiếu giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tổng thư ký Văn phòng An ninh Y tế quốc gia (NHSO) Jadet Thammathat-Aree ngày 17/4 cho biết 700 bệnh nhân COVID-19 đang chờ được nhập viện. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định NHSO và Cục Dịch vụ Y tế đã chỉ định các nhân viên theo dõi các bệnh nhân qua điện thoại hằng ngày. Bệnh nhân COVID-19 được khuyên nên liên hệ với NHSO hoặc Cục Dịch vụ Y tế theo đường dây nóng khi cần giúp đỡ.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã yêu cầu Cục Dịch vụ Y tế soạn một cẩm nang hướng dẫn tự chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Cẩm nang này được biên soạn dành cho những bệnh nhân mắc bệnh có thể phải tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phương pháp thay thế này chỉ có khả năng áp dụng cho những bệnh nhân không có triệu chứng, sống một mình và sẽ không lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Bộ trưởng Y tế Anutin cho biết các bệnh viện cũng được khuyến khích liên kết với các khách sạn để thiết lập các bệnh viện-khách sạn nhằm tăng giường trong khu điều trị tích cực dành những người có các triệu chứng nghiêm trọng mà dự báo có thể tăng trong hai tuần tới.
Theo thống kê, tổng số giường trong các bệnh viện dã chiến và bệnh viện-khách sạn trên toàn quốc của Thái Lan hiện vào khoảng 24.500 giường. Người phát ngôn Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết thủ đô vẫn có sẵn giường cho bệnh nhân COVID-19, nhưng thừa nhận khả năng vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện còn hạn chế. BMA có tổng cộng 9.183 giường cho bệnh nhân COVID-19 và 4.244 giường vẫn còn trống. Thái Lan ngày 18/4 ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 theo ngày ở mức kỷ lục là 1.767 ca cùng 2 ca tử vong, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 42.352 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong vì căn bệnh này lên 101 người.
Trong khi đó, Tổng cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã yêu cầu các cơ quan vận tải hàng không ngừng khai thác các chuyến bay nội địa trong khung giờ từ 23h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau nhằm ứng phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 tiếp theo.
Trong thông báo, Chủ tịch CAAT Suttipong Kongpool cho biết các cơ quan vận tải hàng không phải tuân thủ lệnh trên từ ngày 18/4. Bên cạnh đó, các nhà khai thác vận tải hàng không hoặc các hãng hàng không phải xem xét sắp xếp chỗ ngồi của hành khách trên máy bay dựa trên quy định giãn cách xã hội.
Các nhà khai thác vận tải hàng không và sân bay cũng đã được yêu cầu thông báo cho những hành khách có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cần tạm dừng việc đi lại nếu không có thể bị phạt theo Luật về bệnh truyền nhiễm.