Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.518 ca mắc COVID-19 và 143 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 2.678.375 ca mắc COVID-19 trong đó có 56.936 ca tử vong và 2.5.046 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 108 ca. Philippines ghi nhận số ca tử vong ở mức 30 và Malaysia thêm 4 ca.
Với 5.414 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.455.788 ca bệnh và 39.447 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines đang bị cuốn trong làn sóng lây nhiễm mới, đẩy số ca nhiễm mới liên tục ở các mức kỷ lục. Trong ngày 20/3, nước này tiếp tục ghi nhận một kỷ lục lây nhiễm mới, với gần 8.000 ca (vượt qua Indonesia)
Malaysia sau thời gian dịch giảm nhiệt xuống mức trên dưới 1.000 ca nhiễm mới, đã tăng lên mức 1.671 ca trong ngày 20/3. Trong khi dịch bệnh tại Campuchia tiếp tục lây lan trong cộng đồng, với 54 ca nhiễm mới.
Philippines lại lập kỷ lục ca nhiễm mới kể từ đầu dịch
Philippines đã ghi nhận 7.999 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 20/3, ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm đã lên tới 656.056 ca trong khi số ca tử vong tăng lên 12.930 ca sau khi có thêm 30 ca mới trong ngày 20/3. Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ứng phó với tình trạng số ca nhiễm mới tăng mạnh, trong đó có các ca nhiễm các biến thể mới và lây lan nhanh, làm trì chậm lại kế hoạch mở cửa nền kinh tế đang bị tác động nặng nề của dịch.
Bộ trên ra thông cáo cho biết: "Số ca nhiễm vẫn cao kỷ lục. Tốt nhất mọi người nên ở trong nhà nếu không có việc gì cần thiết". Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Theo tờ Straits Times, giới chức y tế Philippines cũng cho biết, nước này đã phát hiện 114 ca nhiễm mới các biến thể mới của SARS-CoV-2, trong đó có 2 biến thể nghiêm trọng là B.117 được phát hiện lần đầu ở Anh và B.1351, phát hiện lần đầu ở Nam Phi.
WHO cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Campuchia
Ngày 20/3, Campuchia xác nhận phát hiện thêm 54 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.
Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia và WHO kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết và làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống đại dịch. Các chuyên gia WHO nhận định đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Trong thông điệp gửi người dân Campuchia sáng 20/3, Thủ tướng Hun Sen nhận định sau một tháng kể từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh, nơi mới ghi nhận một trường hợp bé trai 6 tuổi ở quận Russey Keo mắc COVID-19 do lây từ mẹ.
Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong 15 ngày cho người trên 60 tuổi tại tất cả các quận của thủ đô Phnom Penh. Ông kêu gọi những người dưới 60 tuổi không tranh giành vaccine trong chiến dịch này.
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố: "Tất cả các trung tâm tiêm chủng phải được thiết lập ở từng quận để tạo điều kiện dễ dàng cho người dân. Bộ Y tế phải ngăn chặn tình trạng tranh giành vaccine ở người trẻ tuổi. Vaccine này chỉ dành cho người già".
Lý do ông Hun Sen đưa ra là Campuchia hiện chưa có đủ vaccine phòng COVID cho tất cả mọi người ở cùng một thời điểm. Ông cho biết, vaccine của Sinovac/Trung Quốc sẽ được chuyển giao vào 26/3, và tiêm cho người dân bất kể nhóm tuổi.
Indonesia nối lại tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Indonesia (BPOM) ngày 19/3 đã phê chuẩn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét các báo cáo về tình trạng máu đông cục ở một số trường hợp tại châu Âu.
Trong một tuyên bố, BPOM cho biết mặc dù việc tiêm chủng có thể dẫn đến "các biến cố bất thường", nhưng "nguy cơ tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn nhiều". Cơ quan này khẳng định: Lợi ích của tiêm vaccine AstraZeneca lớn hơn rủi ro". BPOM đã thận trọng không cho phép sử dụng vaccine này với những người có lượng tiểu cầu trong máu thấp, được gọi là giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.
Indonesia trước đó đã trì hoãn việc tiêm vaccine AstraZeneca sau các báo cáo về máu đông cục, cho biết cần chờ kết quả xem xét của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong khi đó, ngày 19/3, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu cũng cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy các biến cố do tiêm chủng vaccine AstraZeneca gây ra.
Thái Lan cấm tổ chức lễ hội té nước Songkran vì đại dịch
Theo Reuters, lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 của Thái Lan cho biết sẽ cấm lễ hội té nước đường phố Songkran trong năm thứ hai liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch.
The Songkran festival takes place from April 13 to 15 ,and in a normal year crowds pack the streets, spraying water guns or flinging water from pick-up trucks in what has been described as the world's biggest water fight.
Lễ hội Songkran thông thường diễn ra từ ngày 13 đến 15/4, và những năm bình thường thì người dân sẽ đổ xuống các đường phố, té nước, dội nước vào nhau với mong muốn cầu chúc may mắn.
Thái Lan quyết định cấm tổ chức lễ hội Songkran mặc dù đã kiểm soát khá thành công tình trạng lây nhiễm virus. Làn sóng lây nhiễm mới, diễn ra trong 2 tháng đầu năm 2021, hiện đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của nước này đã làm suy yếu ngành du lịch, ngành kinh tế sống còn của Thái Lan, với doanh thu giảm hơn 80% do lượng du khách giảm từ 40 triệu vào năm 2019 xuống còn 6,7 triệu trong năm ngoái.