COVID-19 tại ASEAN hết 2/1: Toàn khối trên 35.000 ca tử vong; Thái Lan đối phó làn sóng 2

Trong ngày 2/1, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 11.400 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 255 trường hợp. Tình hình Malaysia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với số ca nhiễm mới cao thứ hai trong khối, trong khi Thái Lan đang căng mình đối phó làn sóng thứ 2.

Chú thích ảnh
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 13/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.427 ca mắc COVID-19 và 255 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.546.522 ca mắc COVID-19 trong đó có 35.133 ca tử vong và 1.333.589 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Với 7.203 ca nhiễm mới và 226 ca tử vong mới, Indonesia vẫn chưa kiểm soát được làn sóng lây lan của dịch bệnh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong. 

Ngày 2/1, hai quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines và Malaysia. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1.087 ca/ngày, trong khi tình hình đang nghiêm trọng hơn tại Malaysia với ca nhiễm mới vượt xa Philippines, Myanmar.

Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục xử lý ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại khu chợ hải sản ở tỉnh Sakhon, gần Bangkok, và có thêm 1 ca tử vong trong ngày 2/1.

Trong 24 giờ qua, các nước Brunei, Timor Leste, Lào không có thêm ca bệnh COVID-19 nào. Campuchia chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 2/1/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Thái Lan cân nhắc thắt chặt hạn chế đối phó với làn sóng thứ hai         

Giới chức y tế Thái Lan ngày 2/1 khuyến nghị cần có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp và việc đi lại của người dân ở 28 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok.

Các biện pháp này bao gồm dừng một số hoạt động tập trung đông người có nguy cơ làm virus lây lan, yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa, kêu gọi người dân làm việc từ nhà và tránh ra khỏi địa phương khi không cần thiết.

Trước đó, chính quyền thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa trường học trong 2 tuần, tạm thời đóng cửa các viện dưỡng lão, phòng tập thể thao, quán bar và các quán massage.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngặn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một khu chợ ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong ngày 2/1, Thái Lan ghi nhận thêm 26 ca mắc COVID-19 và 1 ca tử vong. Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 7.379 ca mắc và 64 ca tử vong.

Theo người phát ngôn nhóm công tác của chính phủ đối phó với COVID-19 Taweesin Wisanuyothin, nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ diễn biến đợt bùng phát mới tại Bangkok, vốn bắt đầu lan ra nhiều khu vực và khó kiểm soát hơn do có nhiều ca tử vong không liên quan đến các trường hợp trước đó. Ông cho biết, nếu khuyến nghị trên được Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông qua, các biện pháp mới có thể có hiệu lực từ ngày 4/1 và sẽ được áp dụng đến cuối tháng 1.

Người Malaysia dè dặt với việc tiêm vaccine COVID

Tờ Straits Times cho biết, khi lô vaccine COVID đầu tiên chuẩn bị được chuyển giao cho Malaysia, các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người dân nước này vẫn đang do dự với việc tiêm phòng. 

Một cuộc khảo sát do Bộ Y tế Malaysia tiến hành cho thấy, có 17% số người được hỏi cho biết họ lo ngại các tác dụng phụ của vaccine nên không chắc khả năng có tiêm phòng hay không. 

Cuộc thăm dò được tiến hành trực tuyến từ ngày 21 đến 28/12, nhằm đánh giá mức độ quan tâm của người dân Malaysia với việc tiêm vaccine phòng COVID. 

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, nhiều người dân nước này vẫn nghi ngại với vaccine, một số cho rằng nó có thể chứa các thành phần từ lợn, trong khi số khác đặt câu hỏi về độ tin cậy của các nhà sản xuất. Có tới 78% những người trong nhóm không chắc chắn cũng bày tỏ họ ít tin tưởng rằng vaccine sẽ có tác dụng, trong khi 71% cảm thấy không an toàn nếu dùng vaccine. 

Dựa trên kết quả được công bố hôm 31/12, chỉ 67% trong tổng số 212.006 người được lấy mẫu sẽ chấp nhận tiêm vaccine COVID-19 tại Malaysia.

Chú thích ảnh
Người dân Phnom Penh đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Trong một diễn biến khác, Malaysia đã gia hạn các hạn chế hiện tại về giai đoạn khôi phục lệnh kiểm soát đi lại (MCO) kể từ ngày 1/1 đến 31/3. Trước đó Bộ Y tế Malaysia đã tiến hành các đánh giá rủi ro và phát hiện các ca lây nhiễm vẫn đang tăng lên đáng kể".

Trong ngày 2/1, Malaysia ghi nhận thêm 2.295 ca mắc mới, nâng tổng ca bệnh lên 117,373 trường hợp, trong đó có 483 ca tử vong và 94.942 người đã bình phục.

Indonesia sản xuất 15 triệu liều vaccine COVID của Trung Quốc

Tờ Straits Times cho biết, Indonesia đã nhận đủ nguyên liệu thô để sản xuất 15 triệu liều vaccine từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc, bổ sung vào số 3 triệu liều đã được chuyển giao. 

Trong khi đó, vaccine COVID sẽ được lưu trữ tại các cơ sở của nhà sản xuất vaccine Bio Farma ở Bandung, Tây Java, nơi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia trước đó đã bảo đảm tổng cộng 125,5 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Hoạt động chuyển giao sẽ tiếp tục cho đến tháng 1/2022. 

Ngày 30/12, nhà sản xuất dược Indofarma của Indonesia đã ký thoả thuận với công ty Novavax của Mỹ về cung cấp 50 triệu liều vaccine, trong khi Biofarma ký thoả thuận mua 50 triệu liều khác từ nhà sản xuất Anh - Thuỵ Điển, AstraZeneca.

Theo kế hoạch mới nhất, Indonesia sẽ tiêm chủng cho 181,5 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên, tương đương 67% tổng dân số 270 triệu người. Tỉ lệ này được giới chức Indonesia cho là cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Indonesia đề xuất tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Chương trình sẽ bắt đầu với 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu, tiếp đó là 17,4 triệu nhân viên các ngành thiết yếu và 21,5 triệu người từ 60 tuổi trở lệ. Những người này sẽ được tiêm từ tháng 1 đến tháng 4/2021.

Trong giai đoạn 2, từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, 63,9 triệu người sống ở các khu vực nguy cơ cao sẽ được tiêm vaccine, tiếp đó là 77,4 triệu người dân còn lại.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Israel trở thành nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine
Dịch COVID-19: Israel trở thành nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine

Chỉ trong vòng hơn một tuần, Israel đã hoàn thành đợt tiêm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên cho hơn 1 triệu người, chiếm trên 10% dân số, trở thành quốc gia dẫn đầu trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (11,55 người/100 dân).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN